Dòng sông tâm thức: Duy Ma Cật

Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia thời đức Phật, đã tu tập thành Bồ Tát.  HT Tuệ Sỹ gọi là Huyền thoại Duy Ma Cật, Thầy Thích Nhất Hạnh gọi kinh là vỡ kịch của Bồ Tát. Trích đoạn văn của Thầy:

“Kinh Duy Ma Cật xuất hiện tại miền trung Ấn độ và là một kinh rất nổi tiếng ngay từ hồi mới ra đời. Kinh Duy Ma ra đời được là nhờ có những kinh trước đó như kinh Pháp Cảnh, kinh Úc Già Trưởng giả v.v… Cư sĩ Duy Ma Cật được tượng hình trong tư tưởng của kinh Úc già. Có người còn cho rằng tiền thân của ông Duy Ma Cật là Úc già Trưởng giả.

Tên tiếng Phạn của kinh là VimalakÌrtinirdesa-sutra, ra đời vào khoảng từ năm 150 đến năm 200 sau Chúa Ki-tô giáng sinh, tức là vào khoảng thế kỷ thứ hai Tây lịch. Chúng ta biết chắc rằng kinh Duy Ma Cật xuất hiện sau kinh Úc Già Trưởng giả.

Đó là khung cảnh đầu trong kinh Duy Ma Cật. Ngay trong phẩm đầu mình đã thấy rõ lập trường của kinh: Phật độ của mình là ở đây. Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Nếu mình có ý niệm muốn trốn cuộc đời này để đi tìm Niết bàn giải thoát thì mình không phải là đệ tử đích thật của Bụt.

Khi đọc phẩm này, chúng ta thấy tiềm ẩn những tư tưởng của kinh Bát Nhã, kinh Bảo Tích, và kinh Hoa Nghiêm, nghĩa là những kinh đã xuất hiện trước kinh Duy Ma. Vì vậy ta có thể nói đây là những tư tưởng của Đại Thừa thời sơ khởi. Nếu đi trở về tạng kinh Nguyên thủy thì chúng ta thấy những tư tưởng này cũng đã tiềm tàng có mặt trong đó”.

Đây là huyền thoại Duy Ma Cật vì nó có vẻ không có thật sự. Mục đích của huyền thoại Duy Ma Cật là để dạy chúng sanh tu tại gia có thể đắc thành Bồ Tát. Kinh Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa mục đích là dạy cư sĩ tại gia tu thành Bồ Tát. Huyền thoại Duy Ma Cật bắt đầu khi Duy Ma Cật bị bịnh và Phật biết điều đó, Phật cử 10 đệ tử Phật đi thăm bịnh Duy Ma Cật đều từ chối vì sợ đấu lý với người. Phật mới cử Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đi thăm bịnh. Kinh dẫn giải Văn Thù đối đáp với Duy Ma Cật trong lúc thăm bịnh là nói về Tánh Không Trung Quán, Trung Quán luận của Long Thọ có sau khi Phật nhập diệt 600 năm. Và thảo luận về Bồ Tát hạnh là Đại Thừa có sau khi Phật nhập diệt 900 năm tức là thời kỳ Duy Thức ra đời. Tương tự tánh Bất nhị là tánh chính trong kinh Duy Ma Cật, thuyết tánh này có sau khi Phật nhập diệt lâu rồi. Như vậy đọc kinh Duy Ma Cật xem như huyền thoại để học về y nghĩa bất y ngữ. Trong đó ta học tập tư duy quán chiếu là một cư sĩ tại gia tu như thế nào mà đạt được như Duy Ma Cật? Để giải đáp câu hỏi trên chúng ta nghiên cứu đoạn Văn Thù Sư Lợi đối đáp khi đi thăm bịnh Duy Ma Cật. Khi đức Phật dạy hàng đệ tử Thanh Văn, người biết trước về sau này đạo người sẽ bị quân Hồi giáo diệt mất, tăng sĩ sẽ bị chặt đầu. Vậy cái gì tồn tại của đạo Phật? Chỉ có chủng tánh Phật được cấy lên trong nhân gian là cư sĩ tại gia mới giữ được chủng tánh Phật mãi mãi. Như vậy hàng cư sĩ tại gia được người hộ niệm và phú chúc để thành Bồ Tát lấy từ bi làm khởi điểm mà quán chiếu tuệ giác điển hình là Duy Ma Cật .

Dòng sông tâm thức: Duy Ma Cật

Thăm bịnh. Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh (trích đoạn chánh văn)

Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Vị thượng nhân ấy khó bề đối đáp. Ông ấy thâm đạt thật tướng, khéo nói pháp yếu, biện tài không trệ, trí huệ vô ngại, biết hết mọi chỗ làm của chư Bồ Tát, vào hết tạng bí mật của chư Phật, chiến thắng các ma, du hý thần thông, trí huệ và phương tiện đều vẹn toàn. Tuy nhiên, con xin vâng theo thánh ý của Phật mà đến thăm bệnh ông.”

Lúc ấy trong chúng, các Bồ Tát, đại Đệ tử, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương… đều nghĩ rằng: “Nay hai đại sĩ Văn Thù Sư Lợi và Duy Ma Cật đàm luận với nhau, ắt nói diệu pháp.”Tức thì tám ngàn Bồ Tát, năm trăm Thanh Văn và trăm ngàn trời người đều đi theo. Lúc đó Văn Thù Sư Lợi, với sự cung kính vây quanh của các vị Bồ Tát, các đại đệ tử cùng các trời người, đi vào thành lớn Tỳ Da Ly.

Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nghĩ rằng: “Văn Thù Sư Lợi cùng đại chúng sẽ đến đây.” Liền dùng thần lực làm cho nhà mình trống không, không có vật gì cũng không có người hầu, chỉ để lại một cái giường cho ông nằm bệnh.

Thị hiện bệnh là để chỉ tình trạng hiện thời của sanh tử. Làm cho nhà trống không chỉ để Tâm Không hay Pháp giới Không vậy. Trong pháp giới không này, hẳn bệnh chỉ là cái giả mà thôi vậy.

Ngài Văn Thù Sư Lợi vào nhà, thấy phòng trống không, không có gì cả, chỉ độc một giường nằm. Bây giờ, Duy Ma Cật nói: “Quý hóa thay, ngài Văn Thù Sư Lợi! Tướng không đến mà đến, tướng không hiện mà hiện, tướng không thấy mà thấy.”

Tướng không đến, tướng không hiện, và tướng không thấy là thật tướng Pháp thân của ngài Văn Thù Sư Lợi và cũng của ngài Duy Ma Cật. Chẳng lìa thật tướng ấy mà đến, mà hiện, mà thấy, mà đi đứng nói năng thì ở nơi sanh tử bệnh khổ có đến có đi, có được có mất, có nói có nín… này, liền hết bệnh, vì những thứ ấy chỉ là thị hiện như huyễn từ nguồn thật tướng. Hãy nhìn tất cả mọi sự “không đến mà đến, không hiện mà hiện, không thấy mà thấy” bèn thấy ra thật tướng Pháp thân.

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Như vậy, cư sĩ. Nếu có đến, rốt ráo là chẳng đến. Nếu có đi, rốt ráo là chẳng đi. Tại sao thế? Đến, không từ đâu đến; đi, không đến nơi đâu, cái có thể thấy(cái hiện ra), rốt ráo là chẳng thể thấy.

Trong thật tướng, trong thực tại hiện giờ, dù có đến, có đi, quan sát kỹ lại, chẳng thể nào có tướng đến tướng đi. Rốt ráo là chẳng đến, rốt ráo là chẳng đi, đó chính là đạo tràng chẳng động, bèn ngay đó mà hết bệnh, ngay đó mà giải thoát. Cái có thể thấy hay cái hiện ra, rốt ráo là chẳng thể thấy vì không có tướng, đó là thấy tánh: “thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai”(Kinh Kim Cang).

Ở đây, chúng ta thấy con đường Bồ Tát là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai chân lý: chân lý quy ước hay thế (tục) đế, hay Sự (có đến, có đi, có xuất hiện, có thấy) và chân lý tuyệt đối, hay chân đế, hay Lý (không đến, không đi, không xuất hiện, không thể thấy). Có làm gì trong thế giới quy ước mà không lìa rời khỏi chân lý tối hậu, thế giới quy ước chưa từng tách lìa khỏi “thế giới” tuyệt đối, đó là thị hiện bệnh sanh tử mà thật chưa từng có bệnh vậy.

“Nhưng hãy gác việc ấy lại. Bệnh cửa cư sĩ có thể chịu được chăng? Điều trị có bớt mà không thêm chăng? Thế Tôn ân cần hỏi thăm rất nhiều — ngài có ít phiền hà, ít không thoải mái, ít đau ốm, sự khôn khó của ngài có nhẹ, ngài có được chăm sóc, được thong dong, không tự trách móc, và ngài có đang sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng không? Thưa cư sĩ, bệnh của ngài do đâu mà khởi? Sanh đã bao lâu, làm sao mà diệt?”

Duy Ma Cật nói: “Từ vô minh và khát ái, bệnh tôi bèn sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sanh được hết bệnh, thì bệnh tôi diệt. Tại sao như thế? Bồ Tát vì chúng sanh mà vào sanh tử, có sanh tử thời có bệnh. Nếu chúng sanh lìa thoát khỏi bệnh, ắt Bồ Tát không còn bệnh nữa. Ví như vị trưởng giả chỉ có một đứa con, đứa con ấy bệnh, cha mẹ cũng bệnh. Nếu con lành bệnh, cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng vậy, thương yêu tất cả chúng sanh như thể mỗi chúng sanh là đứa con độc nhất của mình. Chúng sanh bệnh thì Bồ Tát bệnh. Chúng sanh lành bệnh, Bồ Tát cũng lành bệnh. Ngài lại hỏi bệnh ây nhân đâu mà khởi? Bệnh của Bồ Tát là do đại bi mà khởi.”

Có thể định nghĩa Bồ Tát là người đã thấu đạt phần nào thật tướng không sanh không diệt, nên dầu có bệnh sanh khởi nơi Bồ Tát, thì vị ấy vẫn “được chăm sóc, thong dong, không tự trách móc”, bởi vì, “vẫn đang sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng”.

Nhưng bệnh nói chung do đâu mà khởi? Từ vô minh và khát ái, nghĩa là từ mười hai nhân duyên sanh tạo ra vòng sanh tử mà khởi. Tất cả chúng sanh đều đang bị cuốn vào vòng xích khắc nghiệt ấy – mà hai mắt xích quan trọng là vô minh và khát ái. Vô minh là nguyên nhân tiềm ẩn, cái khởi đầu cho nên rất vi tế của vòng mười hai nhân duyên sanh tử khổ đau. Khát ái là cái đã hiện hình nên dễ thấy. Tất cả chúng sanh đang bệnh, đang tự cột trói mình càng lúc càng chặt bằng mười hai mắt xích nhân duyên sanh. Không những chỉ một sợi xích mười hai nhân duyên sanh của một đời, mà vô số sợi xích mười hai nhân duyên sanh của vô số đời đã tạo thành một tấm lưới khổng lồ, bền chắc trùm siết tất cả chúng sanh trong ba cõi sanh tử. Chính vì cái nhìn trí huệ này thấy tất cả chúng sanh đang bệnh, đang duy trì bệnh, đang bồi bổ cho bệnh, đang làm mồi cho vô số bệnh mà lòng đại bi của Bồ Tát phát khởi: “Vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh.” Và vì để cứu chúng sanh thoát khỏi bệnh, Bồ Tát phải vào sanh tử, mà có sanh tử thì có bệnh.

Ở đây, để rõ ràng hơn, chúng ta theo kinh điển chia năm mươi địa vị Bồ Tát thành ba cấp độ tương đương với điều kinh điển gọi là “ba a tăng tỳ kiếp”. Ở cấp độ thứ nhất (Thập tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng), có thể gọi là Sơ phát tâm, mình cũng hoàn toàn đang bệnh, thậm chí chưa có phương thuốc gì để thực sự chữa lành, nhưng do Phật, Tổ chỉ dạy mà bắt đầu thấy ra mình và tất cả mọi người đều bệnh, do đó mà Bi và Trí bắt đầu phát lộ, và tuy chúng có được thoáng thấy, nhưng chúng chưa có nền tảng thật sự. Ở cấp độ thứ hai, Bồ Tát từ Sơ địa đến Thất địa, đã thấy được Pháp thân từ sơ địa thứ nhất, do đó có nền tảng (địa) thực sự để lành bệnh, để Trí và Bi hiển lộ. Tuy ở cấp độ này có thể thực sự lành bệnh và chữa được bệnh cho người khác (tự giác giác tha), nhưng cấp độ này được gọi là con đường còn ô nhiễm, nghĩa là còn có dấu vết sanh tử, còn có dấu vết của bệnh. Phải đến địa thứ tám mới hết nhiễm ô, hết sanh tử, hết bệnh và giải thoát. Cho nên khi nói “Bồ Tát vào sanh tử” theo cách nói của ngài Duy Ma Cật, thì Bồ Tát ở đây phải đã ra khỏi sanh tử, hết hẳn bệnh, tức là từ địa thứ tám trở lên đến địa vị Phật.

“Nếu tất cả chúng sanh hết bệnh, bệnh tôi sẽ hết”, chúng ta thấy đây đích thực là một lời nguyện, một lời nguyện như sấm nổ vang cả ba cõi. Thế mà lời nguyện ấy được diễn tả thành một câu nói có vẻ bình thường tự nhiên. Cái bình thường ở đây là cái bình thường của những Bồ Tát ở bậc cao, không còn cố gắng phát tâm, phát nguyện, ở nơi các ngài Trí Huệ và Đại Bi đã trở thành mạng sống (Huệ mạng và có thể nói là Bi mạng), cái mạng sống tinh khiết đã loại bỏ rồi những nhiễm ô ta – người, xấu – tốt, được – mất, có – không… Trí Bi và cả Dũng đều tự nhiên, bình thường, đó là một dấu hiệu rất cao cả ở một con người.Ở đây chúng ta thấy, “thương yêu tất cả chúng sanh như thể mỗi chúng sanh là đứa con độc nhất của mình” là lòng từ. Và không chịu nổi khi thấy tất cả chúng sanh đang bệnh là lòng bi. Và lòng bi này càng sâu rộng khi đi đôi với trí huệ, bởi vì trí huệ cho chúng ta thấy bệnh ấy nặng như thế nào, chúng sanh không biết tự chữa như thế nào, nguyên nhân và kết quả của bệnh như thế nào, sự cấp bách mỗi phút mỗi giây bệnh nặng thêm như thế nào…

Chỉ một câu nói, “Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh”, nếu chúng ta tham thiền thật sự về nó, chúng ta sẽ tiếp xúc được với lòng bi ở đáy lòng mình. Đó là một lòng bi thấm thấu tất cả thế gian, tất cả sanh tử, vô tận như những chiều sâu khổ đau của sanh tử. Đó là một lòng bi bao trùm và xuyên thấu, nó trở thành một cái gì tuy vô hình nhưng không thể hủy hoại, và tâm thức nào chứa đựng một cái gì bao la không thể hủy hoại, tâm thức đó cũng trở thành bao la không thể hủy hoại. Như thế bằng một lòng bi ban đầu là do phát khởi, nó sẽ đạt đến nền tảng bất tử của chính nó.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Nhà của cư sĩ vì sao trống không, không có cả người hầu?”

Duy Ma Cật nói: “Tất cả quốc độ của chư Phật cũng đều Không.”

Lại hỏi: “Vì gì mà Không?”

Đáp rằng: “Vì Không mà Không.”

Lại hỏi: ‘’Không sao lại dùng Không?”

Đáp rằng: “Vì không có phân biệt Không nên Không.”

Lại hỏi: “Không mà có thể phân biệt được ư?”

Đáp rằng: “Phân biệt cũng Không.”

Một đoạn đối đáp về thực tại tánh Không như thế này làm hiển lộ thực tại và đưa người mà tâm thức đã chín do tu hành có thể thể nhập được thực tại. Những sự đối đáp kiểu này về sau được dùng rất nhiều trong Thiền tông để đưa đến ngộ đối với người chưa ngộ và đưa đến thâm nhập thêm vào pháp tánh với người đã từng có kinh nghiệm ngộ.

Ngài Duy Ma Cật đã làm cho ngôi nhà của ngài trống không để hiển lộ cho chúng ta thấy tánh Không, hay cái Không. Thật ra mọi thứ chúng ta đang kinh nghiệm, cây cối, nhà cửa, người qua kẻ lại… tất cả đều trống không như ngôi nhà của ngài. Đó là kinh nghiệm về thực tại tối hậu của đạo Phật. Nhưng thực tại tánh Không này không có nghĩa là không có gì cả. Nói cho dễ hiểu, thì mọi thứ chúng ta thấy đều là những hình bóng trong gương (Tâm Không, tánh Không, Đại Viên Cảnh Trí), và với người chưa biết được gương, thì họ nói tất cả thực tại chính là những hình bóng này, nhưng với người biết được gương, họ sẽ nói rằng mọi thứ có là gì đi nữa, cũng chỉ là gương. Và chỉ có gương là tồn tại, là thật. Chỉ có cái Không là thật, và dù cuộc đời này có diễn xuất như thế nào, cũng chỉ sanh diệt trong cái Không này, và do đó tất cả đều là Không, tất cả đều trống không như nhà của ngài Duy Ma Cật.

Nhưng sự trống không đó do gì mà trống không, cái Không đó do gì mà Không? Với người đã đạt đến bản tánh của tâm thức mình, bản tánh đó là tánh Không, thì câu trả lời rất hiển nhiên và rất đơn giản: Vì Không cho nên Không. Vì nền tảng là Không, vì tất cả các pháp dù có xuất hiện nhưng vô tự tánh cho nên tất cả là Không. Hay nói theo thí dụ trên, vì mọi hình bóng đều xảy ra trong gương Không nên tất cả phải là Gương Không.

Lại hỏi: Đã vốn là Không, thì việc gì phải làm cho trống không? Cần gì phải có ý niệm Không, hay quán tưởng ra cái không có tướng hay ra cái có tướng nữa để làm gì? Đáp rằng: Vì không có phân biệt Không, nên Không. Khi tâm ta không có phân biệt nào trong thực tại, tâm bèn trở lại bản vị của nó, tức tánh Không, nên đó chính là tánh Không. Và trong cái Không này, mọi phân biệt đều bất khả đắc, dù có phân biệt cũng bất khả đắc, cho nên nói rằng, trong cái Không, không thể có phân biệt nào.

Lại hỏi: Không mà có thể phân biệt được ư? Người mà ở trong tánh Không thì thấy câu này quả là hiển nhiên không thể chối cãi. Đã là Không thì còn chỗ nào đâu nữa cho phân biệt? Đáp rằng: Dù có muốn phân biệt gì gì đi nữa, thì cũng chẳng làm gì được với cái Không kim cương bất hoại này. Dù tư tưởng có tạo tác kiểu gì cũng vẫn là Không, không thể ra ngoài cái Không này được. Dù có tạo ra bao nhiêu hình bóng trong gương, cũng chẳng có bóng nào chẳng phải là gương, chẳng có bóng nào thoát ra khỏi gương. Và như vậy, Không chẳng thể sanh ra, chẳng thể kiến tạo ra Không, vì mọi sanh ra, mọi kiến tạo đều bất khả đắc vậy.

Ở trên chỉ là một cách tiếp cận với tánh Không qua những lời đối đáp của hai vị Đại Bồ Tát và lối giải thích tiếp cận ấy cũng chỉ là nhất thời, trong lúc này của chỉ một người, vào lúc khác sẽ diễn giảng khác. Nói thế để biết mỗi người phải nỗ lực tư duy và thiền định trong khuôn khổ khuynh hướng tâm thức của mình để mở ra một cái thấy về tánh Không bằng chính kinh nghiệm của mình. Bởi vì tánh Không là vô biên, vô lượng, nên nghĩa những câu kinh trên cũng vô biên, vô lượng.

Lại hỏi: “Không, nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong sáu mươi hai kiến chấp mà tìm.”

Lại hỏi: “Sáu mươi hai kiến chấp nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong sự giải thoát của chư Phật mà tìm.”

Lại hỏi: “Giải thoát của chư Phật nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong tâm hạnh của tất cả chúng sanh mà tìm.”

Đoạn trên nói về cái Không trong tương quan với chính nó, nghĩa là trong chân lý tuyệt đối; đoạn này nói về cái Không trong tương quan với chân lý quy ước.

Sáu mươi hai kiến chấp là sáu mươi hai tà kiến của thế gian bình thường: chấp năm ấm và những thứ đoạn thường, có không… Tìm Không trong sáu mươi hai kiến chấp nghĩa là tìm trong kiến chấp nào của thế gian cũng thấy nó không căn cứ, không nền tảng, không thể lập, nên kiến chấp nào cũng là Không. Bất kỳ một ý kiến nào, một tư tưởng nào, một tình cảm nào khởi lên, nếu tìm rốt ráo, nó phải là Không. Sáu mươi hai kiến chấp là lông rùa, sừng thỏ ở trong cái Không này. Sáu mươi hai kiến chấp chính là tánh Không. Những món kiến chấp, ý kiến, tư tưởng, tình cảm đó tìm ở đâu? Bằng sự quán chiếu sâu xa, chúng ta thấy rằng chúng vô sở hữu, như hoa đốm vọng thấy giữa hư không, như mười thí dụ như huyễn trong kinh Đại Bát Nhã. Thấy sáu mươi hai kiến chấp “trong sự giải thoát của chư Phật”, tức là trong tánh Không, bèn ngay đó giải thoát.Và rồi giải thoát của chư Phật lại tìm thấy ở đâu? Ở trong tâm hành của tất cả chúng sanh. Nghĩa là tất cả những tư tưởng, những xúc cảm… đã sanh khởi, đang sanh khởi hay sẽ sanh khởi, tất cả những tâm hành ấy chính là sự giải thoát của chư Phật, nghĩa là chính là tánh Không. Những tâm hành ấy không chỉ sanh ra trong Không, trụ trong Không và diệt trong Không, mà chúng chính là Không, sóng chính là nước, bóng chính là gương, cho nên sanh mà vĩnh viễn chẳng sanh: “Nếu có đến rốt ráo là chẳng đến; nếu có đi, rốt ráo là chẳng đi; cái xuất hiện rốt ráo là chẳng thấy”. Đó là giải thoát của chư Phật.

“Ngài lại hỏi, vì sao tôi không có người hầu? Tất cả chúng ma và các ngoại đạo là người hầu của tôi. Vì sao thế? Chúng ma ưa sanh tử, mà Bồ Tát thì không bỏ sanh tử; ngoại đạo ưa các kiến chấp, mà Bồ Tát thì nơi các kiến chấp mà chẳng động.”

Chúng ma và ngoại đạo ở đây không phải là một loại đặc biệt nào, mà là tất cả chúng sanh nào ưa thích sanh tử và chưa được chánh kiến nên vẫn sanh khởi đủ loại kiến chấp. Nói tóm, tất cả chúng sanh là người hầu của Bồ Tát, là bạn của Bồ Tát, bởi vì Bồ Tát có lòng bi nên không bỏ sanh tử, và có trí huệ nên có thể ở chung lộn với các kiến chấp, vì “ở nơi các kiến chấp mà chẳng động”.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Bệnh của cư sĩ có tướng trạng thế nào?”

Duy Ma Cật nói: “Bệnh tôi không có hình trạng, không thể thấy được.”

Lại hỏi: “Bệnh ấy hiệp với thân ư? Hiệp với tâm ư?”

Đáp rằng: “Chẳng phải hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa. Cũng chẳng phải hiệp với tâm, vì tâm như huyễn.”

Lại hỏi: “Trong bốn đại, địa, thủy, hỏa, phong, bệnh nơi đại nào?”

Đáp rằng: “Bệnh này chẳng phải địa đại, cũng chẳng lìa địa đại. Thủy, hỏa, phong đại cũng lại như vậy. Nhưng bệnh của chúng sanh nương nơi bốn đại mà khởi. Vì chúng sanh có bệnh cho nên tôi bệnh.”

Bệnh của Bồ Tát là lòng bi đối với bệnh sanh tử của chúng sanh. Nhưng bệnh sanh tử này của chúng sanh không tìm thấy đâu cả trong bốn đại, trong thân lẫn trong tâm, tìm kiếm tận cùng, rốt ráo là bất khả đắc. Quan sát kỳ cùng căn bệnh sanh tử này cho đến chỗ: “không có hình trạng, không thể thấy được” bèn chứng nghiệm bệnh rốt ráo không có, liền hết bệnh sanh tử.

Chính vì bệnh của chúng sanh không có tướng trạng gì, không thể thấy được mà lòng bi của Bồ Tát cũng không có tướng trạng gì, không thể thấy được. Lòng bi không bị giới hạn theo hình tướng, nên là vô tướng, vô biên; không còn sanh khởi theo duyên, nên là vô duyên vô ngại. Đó là đại bi, ứng theo vật mà hiện hình, không phân biệt, không bỏ sót, không bị ngăn trệ nên sức mạnh là vô tận, không có hình tướng nên không bị hư hoại, cần biết rằng càng bớt chấp vào tướng thì đại bi càng “lớn lên”, càng bớt trụ vào hình bóng thì mặt gương càng rộng, càng sáng.

Nhưng với chúng sanh như chúng ta, hay người mới phát tâm đi con đường Bồ Tát như chúng ta, cái khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất là biết mình bị bệnh: thấy có tướng ở đâu thì chỗ đó có bệnh, khởi tâm phân biệt lên tức thời là sanh bệnh, khởi tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng lên là sanh bệnh, khởi tâm hơn thua lên là sanh bệnh… Khi đã rõ bệnh sanh ra như thế nào rồi, thì biết tình trạng khỏe mạnh trước khi bệnh sanh ra là thế nào, từ đó mà dần dần phục hồi lại trạng thái không bệnh.

Khi thấy rõ bệnh “chẳng hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa. Cũng chẳng hiệp với tâm, vì tâm như huyễn”. Khi thấy bệnh không có ở đâu cả, thì hết bệnh sanh tử.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi hỏi Duy Ma Cật rằng: “Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như thế nào?”

Duy Ma Cật nói: “Nói thân là vô thường, chẳng nói chán bỏ thân. Nói thân có khổ, chẳng nói thích nơi niết bàn. Nói thân vô ngã, mà nói hãy hướng dẫn chúng sanh. Nói thân không tịch, chẳng nói tìm rốt ráo tịch diệt. Nói sám hối tội trước, chẳng nói đi vào quá khứ. Hãy lấy bệnh mình mà thương bệnh người. Hãy nhớ vô số kiếp trước khổ đau mà tưởng đến sự làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Hãy nhớ tu phước đức thiện căn, tưởng đến đời sống trong sạch, chớ sanh lo buồn, thường sanh tinh tấn. Hãy làm vị y vương, chữa trị tất cả các bệnh. Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như vậy, khiến cho hoan hỷ.”

‘Bồ Tát có bệnh’ ở đây là Bồ Tát mới tu, cần sự an ủi để đi cho đúng đường, chưa thực sự tự mình chữa lành bệnh cho mình được. Khi bệnh thì dễ chán thân, dễ hướng sự tu hành đến chỗ giải quyết cho được cái thân này mà quên đi những người khác cũng đang bệnh, và dĩ nhiên là bệnh nặng hơn mình nhiều. Cho nên thấy mình bệnh, thấy mình đã từng khổ đau từ vô số kiếp thì hãy mở tâm ra mà nghĩ đến vô số người đang bệnh, đang khổ đau từ vô số kiếp. Chỉ sự mở tâm ra này đã làm lành bệnh rồi, bởi vì tất cả mọi bệnh tật đều lấy một cái ta làm nơi tập trung, tất cả mọi nghiệp quả đều từ nơi cái ta mà trổ. Phải chữa lành bệnh – kết quả của nghiệp xấu – bằng làm phước đức thiện căn, bằng cách sống đời trong sạch đầy nghiệp thiện, bằng sự thường tinh tấn. Hãy làm vị y vương chữa bệnh cho mình và cho người bằng Phật pháp.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Cư sĩ, Bồ Tát có bệnh làm sao điều phục tâm mình?”

Duy Ma Cật trả lời: “Bồ Tát có bệnh nên nghĩ như vầy: Nay bệnh của ta đều do các phiền não điên đảo tư tưởng hư vọng đời trước mà sanh, không phải thật có, thì ai chịu bệnh. Tại sao như vậy? Bốn đại hòa hợp nên giả gọi là thân. Bốn đại không có chủ, thân cũng không có ngã.

‘‘Lại nữa, bệnh này sanh khởi đều do chấp ngã. Thế nên chớ sanh đắm trước cái ngã. Đã biết gốc bệnh, liền trừ tưởng ngã và tưởng chúng sanh. Hãy khởi tưởng Pháp. Nên nghĩ như vầy: Chỉ do các pháp hợp thành thân này, khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt. Nhưng lại nữa, các pháp ấy đều chẳng biết nhau, khi khởi không nói ta khởi, khi diệt không nói ta diệt. Bồ Tát có bệnh ấy, để diệt tưởng pháp, phải nghĩ như vầy: Các tưởng pháp này cũng là điên đảo. Điên đảo tức là đại họa, ta phải lìa bỏ nó.

Quán sát, hay quán chiếu, là nhìn thẳng vào thực tại như nó vốn là. Sự quán chiếu thực tại giải tan những chướng ngại – tưởng ngã, tưởng chúng sanh, và tưởng pháp… – thông suốt qua những chướng ngại, khi ấy sự quán chiếu trở thành chính thực tại. Quán chiếu chính là thực tại, trong đó không có người thấy, cái được thấy, không còn hình tướng và tư tưởng nào ngăn che. Đây là sự lành bệnh.

Sự quán thẳng vào thực tại làm tiêu những tưởng điên đảo khiến ta làm một với thực tại: cái thấy và cái được thấy là một. Nhưng không dễ gì quán chiếu thẳng vào thực tại trong mọi lúc mọi thời, mà khi không quán chiếu trực tiếp thực tại thì tướng và tưởng sẽ khởi lên do vẫn còn ngủ yên trong căn bản thức. Bởi thế phải quán chiếu chính cái bệnh, cái ngăn che: tưởng ngã, tưởng chúng sanh và tưởng pháp. Cứ một phần cái ngăn che tan biến thì một phần thực tại hiển lộ. Hai sự quán chiếu này là điều hành giả phải làm, không phải vài tuần, vài tháng, mà trọn đời, bởi vì thực tại thì vô hạn và sự ngăn che cũng vô hạn, pháp giới thì toàn khắp và sự ngăn che cũng toàn khắp (vì sự ngăn che ở ngay nơi con mắt tâm của mình). Thậm chí nhiều đời mới mong hết bệnh, có điều phải nên nhớ rằng hễ càng hết bệnh thì càng lợi lạc cho mình và càng lợi lạc cho người và sự bớt bệnh này là hạnh phúc không thể nói bằng lời. Đây là phần thưởng của sự tinh tấn trong việc điều phục tâm mình cho hết bệnh.

“Thế nào là lìa bỏ? Lìa bỏ ta và cái của ta. Thế nào là lìa bỏ ta và cái của ta? Là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng. Thế nào là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng? Là chẳng nghĩ tưởng các pháp bên trong và bên ngoài, nhất tâm thực hành bình đẳng. Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng. Tại sao như vậy? Ngã và Niết bàn, cả hai đều Không. Vì sao mà Không? Vì chỉ là danh tự nên Không. Hai pháp nhị biên này không thể kiến lập, không có tự tánh quyết định. Thấy được tánh bình đẳng như vậy, thì không phân biệt giữa bệnh và Không, nên không còn bệnh gì nữa. Có còn là chỉ có cái bệnh về Không. Nhưng cái bệnh về Không cũng Không.

“Bồ Tát có bệnh này lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ. Chưa đầy đủ Phật pháp thì cũng không diệt cái thọ mà thủ chứng vậy.

Pháp giới vốn không đây kia, trong ngoài, ta và cái của ta, nhưng vì căn bệnh vô minh phân biệt của chúng ta mà thành ra đủ thứ tướng bên trong ta và tướng bên ngoài ta. Mỗi tướng bên ngoài đều có sự liên kết với cái bên trong – như một cái cây là cái cây trong tương quan với tâm thức bên trong của ta – và mỗi tướng bên trong, vui buồn, xúc cảm, tham, sân… đều liên kết với tướng ở bên ngoài. Cả hai liên kết với nhau chằng chịt, kiên cố tạo thành sanh tử cho riêng mỗi người. Cho nên vấn đề chữa bệnh đều quy về hai cái: chấp ngã và chấp pháp, chấp chủ thể và chấp đối tượng. Giải thoát chỉ là việc quán chiếu cho tiêu hai cái vọng tưởng căn bản này thôi vậy.

Sự quán sát liên tục, thấu đáo về chủ thể sẽ đưa đến cái hiểu biết thực sự rằng bên trong không có một nền tảng nào cả. Và bên ngoài không có một tướng nào, một pháp nào có nền tảng để có thể nắm lấy, có thể đắc. Với sự quán chiếu liên tục này, có một lúc nào chúng ta thực sự lọt vào pháp tánh hay tánh Không, đó là bước vào địa thứ nhất. Từ đây tánh Không là niềm tin, sự xác quyết của chúng ta, do đó căn bệnh chấp tướng thâm căn cố đế bắt đầu có thể thực sự được lìa bỏ. Càng lìa bỏ chúng ta càng hưởng được cái tự do bao la của pháp giới, niềm phúc lạc không ngăn ngại (do hình tướng phân biệt mà có ngăn ngại), cái rỗng rang không bờ mé của Pháp Giới Nhất Tâm…

Ở đây kinh dạy chúng ta một phương pháp – trong rất nhiều phương pháp của đạo Phật – để giải quyết một vấn đề căn bản: lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng. “Chẳng nghĩ tưởng các pháp (các tướng) bên trong và bên ngoài”: sự nghĩ tưởng là nhiên liệu làm bừng cháy thêm sự chấp pháp, không nghĩ tưởng đến chúng thì chúng trở thành tịch diệt, an nghỉ trong tánh Không. Và “nhất tâm thực hành bình đẳng”: không xao lãng, không để tâm thức làm méo mó thật tướng mà chuyên chú tham thiền về chính sự bình đẳng, sự không phân biệt của pháp tánh, tức là thật tướng của tất cả các pháp, tức là tánh Không. Hai thực hành này, một chú ý đến hiện tượng, một chú ý vào bản thể, sẽ đưa chúng ta thật sự bước vào tánh Không.

“Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng”. Lời khai thị của ngài Duy Ma Cật trực tiếp chỉ thẳng làm sao! Nhưng những lời khai thị như thế này – và có rất nhiều lời như vậy trong Kinh – không khiến chúng ta vào được thực tại không ngã không pháp thì đó là vì những ngăn chướng của chúng ta còn nhiều trong tâm mà sự thực hành của chúng ta chưa phá vỡ được, chứ không phải những câu nói ấy không phát xuất từ lòng bi vô lượng của ngài.

Tất cả các pháp, dù trong dù ngoài, dù ngã hay là Niết bàn vô ngã, đều chỉ là danh tự, nên không thể kiến lập: tất cả thuần là tánh Không. Đến chỗ này rồi, nếu một mực đi vào cái Không bản thể mà bỏ quên cái Không hiện tượng, nghĩa là bỏ thế giới hiện tượng của chúng sanh, thì cái Không thuộc về bản thể này là bệnh của Bồ Tát bậc cao. Đây là điều kinh Đại Bát Nhã nói: học Không bất chứng. Nghĩa là Bồ Tát học Không, tu hành Không nhưng không thủ chứng Không về mặt bản thể. Thủ chứng Không về mặt bản thể là “diệt cái thọ để thủ chứng” (tức là thủ chứng Không về mặt bản thể, hay thủ chứng Niết bàn). Kinh Hoa Nghiêm nói Bồ Tát địa thứ sáu trở lên đều có thể nhập diệt định, nhập diệt định tức là “diệt cái thọ mà thủ chứng” ở đây vậy. Nếu thủ chứng thì chỉ mới đi được hai phần ba con đường, và do đó mà “chưa đầy đủ Phật pháp”, không tiến thêm lên các địa trên để đến quả Phật.

Như vậy, để thoát khỏi cái bệnh về Không này chỉ hướng đến bản thể mà bỏ mất thế giới hiện tượng gồm cả chúng sanh trong đó, Bồ Tát phải Không luôn cái Không bản thể này, như chúng ta thường thấy có từ ngữ Không Không. Cái Không về bản thể này mà cũng Không, thì không còn chấp vào ‘chỉ cái Không bản thể’, do đó mà vẫn không từ bỏ thế giới hiện tượng, đồng thời thế giới hiện tượng này cũng là Không. Bồ Tát đi đến toàn giác bằng cách ôm trọn cả hai thế giới bản thể (chân lý tuyệt đối) và thế giới hiện tượng (chân lý quy ước) vào trong tánh Không. Sở dĩ gọi là toàn giác hoàn toàn, vì Bồ Tát không bỏ thế giới hiện tượng, không bỏ chân lý quy ước, và cái này chính là môi trường, chỗ hiện hành của đại bi. Đầy đủ cả Trí và Bi, đó là toàn giác.

Làm sao mà vẫn không từ bỏ thế giới hiện tượng đồng thời vẫn thâm nhập tánh Không? Kinh dạy “lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ”. Không thọ nhận các thọ, đó là nhập diệt thọ tưởng định. Nhưng “lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ” đó là con đường hành trì của Bồ Tát. Con đường đó là con đường Trung Đạo: không chỗ thọ mà vẫn thọ nhận các thọ; thọ nhận các thọ mà vẫn không chỗ thọ. Con đường Trung Đạo “Tức Thị” này đi giữa sắc và Không: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.

“Lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ”, đây là hạnh phúc cho riêng mình của Bồ Tát, đồng thời không bỏ quên bổn phận – cũng là một hạnh phúc khác – đối với chúng sanh là làm cho họ được hạnh phúc.

“Nếu thân có khổ, bèn nghĩ đến chúng sanh trong các nẻo xấu số mà khởi lòng đại bi. Ta đã điều phục, cũng phải điều phục cho tất cả chúng sanh. Chỉ trừ bỏ bệnh mà chẳng trừ pháp. Vì đoạn trừ gốc bệnh mà hướng dẫn dạy dỗ chúng sanh.

“Sao gọi là gốc bệnh? Tức là có phan duyên. Khi nào có phan duyên, đó là gốc bệnh. Phan duyên cái gì? Đó là ba cõi. Làm thế nào đoạn dứt phan duyên? Hãy dùng không chỗ đắc. Khi không chỗ đắc thì không có phan duyên. Sao gọi là không chỗ đắc? Đó là lìa hai kiến chấp. Sao gọi là hai kiến chấp? Là kiến chấp bên trong và kiến chấp bên ngoài, cả hai đều không chỗ đắc.

“Ngài Văn Thù Sư Lợi! Như thế gọi là Bồ Tát có bệnh điều phục tâm mình. Đoạn dứt cái khổ, già, bệnh, chết, đó là Bồ đề của Bồ Tát. Nếu không như vậy thì sự tu trị của Bồ Tát không có lợi lạc về trí huệ gì cả. Ví như chiến thắng thù địch mới gọi là anh hùng, người trừ sạch già, bệnh, chết mới gọi là Bồ Tát.

Chỉ trừ bỏ bệnh mà chẳng trừ bỏ pháp nghĩa là chỉ trừ bệnh vọng thấy, bệnh nhặm mắt mà không ữừ bỏ cái thấy thanh tịnh và thực tại thanh tịnh.

Phan duyên nghĩa đen là bám nắm, vịn theo. Sự bám nắm vịn theo này phân chia pháp giới thành nhị nguyên ta và cái chẳng phải ta, từ đó mà có tham cái chẳng phải ta, hay ghét cái chẳng phải ta, đủ mọi thứ tốt xấu, phải trái… Tất cả đều từ gốc bệnh phan duyên, nghĩa là từ sự phân chia thành một cái ta chủ thể bên trong và một thế giới đối tượng bên ngoài. Với cái ta chủ thể thì có muôn vàn kiến chấp bên trong và thế giới đối tượng cũng có muôn vàn kiến chấp bên ngoài. Thực tại vốn không có chủ thể đối tượng, không bị giới hạn trong chủ thể giả tạo và đối tượng giả tạo. Nhưng sự phan duyên là sự chủ thể hóa và đối tượng hóa tất cả mọi cái mà nó kinh nghiệm, đó là cái chúng ta gọi là vọng tưởng. Như vậy ba cõi chỉ là sự phan duyên, hay là cái đối tượng hóa bất tịnh (vì phân biệt) của một chủ thể bất tịnh (vì khát ái).Làm thế nào để đoạn dứt phan duyên? Hãy để cho thực tại tự nó hiện tiền, không khởi lên bất kỳ một sự chủ thể hóa và đối tượng hóa giả lập nào. Khi thấy, nghe, rõ biết mà không có chủ thể thấy nghe rõ biết và đối tượng được nghe thấy rõ biết thì lúc đó thực tại bắt đầu lộ diện. Bởi vì thực tại là sự vắng mặt của chủ thể và đối tượng, cho nên chủ thể và đối tượng chỉ là giả danh, chỉ là “không chỗ đắc”. Không chỗ đắc là tất cả mọi thứ chủ thể hóa thành cái bên trong và mọi thứ đối tượng hóa thành cái bên ngoài phải được xác quyết là không chỗ đắc. Khi bóng này bóng nọ đều không chỗ đắc, toàn bộ mặt gương hiển lộ.

Người chiến thắng tất cả thù địch chủ thể hóa và đối tượng hóa do tự mình khởi lên thành vô minh của mình để chứng ngộ được pháp giới Nhất Tâm thì gọi là anh hùng, là Bồ Tát. Tất cả mọi tông phái Phật giáo đều quy về điểm này dù có nhiều phương tiện khác nhau.

“Bồ Tát có bệnh lại nghĩ như vầy: Như bệnh của tôi đây không thật, không có; bệnh của chúng sanh cũng không thật, không có. Khi quán sát như vậy mà đối với các chúng sanh nếu khởi lên lòng bi ái kiến thì phải xả bỏ ngay. Vì sao thế? Bồ Tát đoạn trừ phiền não khách trần mà khởi đại bi, còn lòng bi ái kiến thì đối với sanh tử tái sanh có lòng chán mệt. Nếu lìa ái kiến thì không có tâm chán mệt, tái sanh nơi nào cũng không bị ái kiến che đậy. Tái sanh như vậy thì giống như một sự giải thoát, mới có thể vì chúng sanh nói pháp mà giải thoát sự trói buộc cho chúng sanh. Như Phật có nói: “Nếu tự mình bị trói buộc mà giải thoát cho sự trói buộc của người khác, chuyện ấy không thể có. Nếu tự mình không bị trói buộc mà giải thoát cho sự bị trói buộc của người khác, chuyện ấy có thể được.”

Thế nên Bồ Tát không nên khởi sanh sự trói buộc.

Đoạn trừ phiền não khách trần, tức là phiền não do phân biệt tướng, mà khởi đại bi, đó là đại bi chân thật. Nghĩa là đại bi chân thật không lìa khỏi trí huệ nhìn thấy thật tướng. Còn lòng bi ái kiến là lòng bi do chấp tướng: thấy có tướng mà sanh khởi. Thấy có tướng chúng sanh, rồi tướng chúng sanh giàu khác nghèo khác, chúng sanh đang hạnh phúc, chúng sanh đang đau khổ… đó là kiến. Trên cái kiến ấy, sanh ra cái ái, thương ít thương nhiều, nghèo như ta thì ta thương hơn, khổ như ta thì ta thương hơn, ai thương ta thì ta thương hơn… Lòng bi ái kiến là do thiếu trí huệ nhìn thấu căn bệnh vô minh sanh ra khổ ở nơi mỗi chúng sanh: người nghèo thì khổ theo cách nghèo, nhưng người giàu cũng khổ vì cũng đang điên đảo với vô minh, cũng đang sanh ra bao nhiêu là nhân khổ. Do nhìn thấu gốc bệnh, nên lòng bi trở nên rộng rãi hơn vì không thiên trệ vào một dạng sống đặc biệt nào, và sâu thẳm hơn vì nhìn thấy cơ cấu của khổ nằm nơi mỗi chúng sanh.

Khi đã có lòng bi ái kiến, nghĩa là trí huệ cạn cợt và tình thương thiên lệch như vậy, ấy là tự mình sanh ra một sanh tử méo mó và do đó mà mệt mỏi, chán ngán. Khi đã thấy sanh tử do mình tạo ra như vậy là rối rắm, khó nhọc, phiền toái, làm chán ngán và mệt mỏi, bèn sợ phải tái sanh. Còn nếu lòng bi không có ái kiến, nghĩa là không có những méo mó che đậy, thì một sự tái sanh là một giải thoát. Đi từ một cái Không đến một cái Không, từ một cái không ái kiến đến một cái không ái kiến, đó là giải thoát. Có như thế mới giải thoát cho người khác được.

Tóm lại lòng bi mà không có trí huệ đi kèm là một lòng bi uổng phí, và không những uổng phí mà còn không lợi mình lợi người, vì do khởi sanh sự trói buộc vậy. Một lòng bi không khởi tướng để tự trói buộc mình sẽ đưa hành giả thâm nhập pháp tánh để thể nhập vào năng lực nguyên sơ của pháp tánh.

“Sao gọi là trói buộc? Sao gọi là giải thoát? Tham đắm vào giải thoát khỏi thế gian mà không dùng phương tiện giải thoát là sự trói buộc của Bồ Tát; dấn thân vào cuộc đời thế gian mà dùng đầy đủ phương tiện giải thoát là sự giải thoát của Bồ Tát. Kinh nghiệm mùi vị thiền định mà không thiện xảo trong phương tiện giải thoát là trói buộc; kinh nghiệm mùi vị thiền định mà thiện xảo trong phương tiện giải thoát là giải thoát.

“Trí huệ không hội nhập với phương tiện giải thoát là trói buộc; trí huệ hội nhập với phương tiện giải thoát là giải thoát. Phương tiện giải thoát không hội nhập với trí huệ là trói buộc; phương tiện giải thoát hội nhập với trí huệ là giải thoát.

Trí huệ chú trọng tới mặt bản thể, thể tánh, tức là tánh Không, chân lý tuyệt đối, thế giới của Lý. Phương tiện chú trọng về mặt hiện tượng, hình tướng, là chân lý quy ước, tương đối, thế giới của Sự. Trí huệ là sự tích tập trí huệ về tánh Không. Phương tiện là sự tích tập công đức. Chỉ chú trọng một mặt mà lơ là với mặt kia thì đó là trói buộc. Sự hội nhập nhuần nhuyễn giữa trí huệ và phương tiện làm nên con đường Bồ Tát. Sở dĩ phương tiện được gọi là phương tiện giải thoát vì nó phối hợp với tánh Không. Trí huệ càng soi chiếu rõ ràng bao nhiêu thì phương tiện càng được thấy rõ và sử dụng có hiệu lực bấy nhiêu. Chính nhờ phương tiện mà hành giả càng đi sâu vào tánh Không và cũng chính phương tiện là cái đặc trưng của Đại Thừa để phân biệt với những con đường chỉ “tham đắm vào sự giải thoát khỏi thế gian”.

“Sao gọi là trí huệ không có phương tiện thì trói buộc? Trí huệ không hội nhập với phương tiện, chỉ tập trung vào Không, Vô tướng, Vô nguyện, được thúc đẩy bởi động cơ là lòng bi ái kiến, không tập trung vào sự trau dồi các tướng tốt, sự trang nghiêm cõi Phật và sự thành tựu cho chúng sanh. Đó là sự trói buộc của trí huệ không có phương tiện.

“Sao gọi là trí huệ có phương tiện thì giải thoát? Trí huệ hội nhập với phương tiện được thúc đẩy bởi động cơ là đại bi và như vậy tập trung vào sự trau dồi các tướng tốt, sự trang nghiêm cõi Phật và sự thành tựu cho chúng sanh mà vẫn luôn luôn ở trong Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đó là sự giải thoát của trí huệ có phương tiện.

“Sao gọi là phương tiện không có trí huệ thì trói buộc? Phương tiện không hội nhập với trí huệ mà trồng các cội công đức nhưng không hồi hướng chúng cho giác ngộ trong khi vẫn ở trong các phiền não tham dục, sân hận, tà kiến… Đó là sự trói buộc của phương tiện không có trí huệ.

“Sao gọi là phương tiện có trí huệ thì giải thoát? Phương tiện hội nhập với trí huệ mà hồi hướng các cội công đức cho giác ngộ trong khi lìa các phiền não tham dục, sân hận, tà kiến… Đó là sự giải thoát của phương tiện có trí huệ.

Phương tiện bao gồm phạm vi rất rộng, chẳng hạn những phương tiện tu hành, tức là các phương pháp thực hành để đạt tánh Không, phương tiện để cứu độ giáo hóa chúng sanh, phương tiện để sống cuộc đời trong thế gian… Đến cấp độ cao của những Đại Bồ Tát, của Phật, thì tất cả sanh tử thế gian này là phương tiện.

Phương tiện là một yếu tố then chốt cho cuộc đời Bồ Tát thậm chí có thể nói không có phương tiện thì không có Bồ Tát. Nhưng dù là gì, bao giờ phương tiện cũng kết hợp với trí huệ. Phương tiện đến đâu thì trí huệ đến đó, và trí huệ đến đâu thì phương tiện đến đó.

Trí huệ tánh Không mà không có phương tiện thì chỉ một mực nhắm đến tánh Không và như vậy là “tham đắm vào giải thoát khỏi thế gian” mà không có phương tiện để ra khỏi chính sự giải thoát đó.

Còn phương tiện mà không có trí huệ tánh Không thì dù sống một cuộc đời cao cấp, chết có thể sanh lên các cõi trời, nhưng cũng bị trói buộc vào ba cõi khổ đau sanh tử. Phương tiện không có trí huệ thì dù có tu hành, làm phước… cũng là những pháp hữu vi phước đức hữu lậu, không thông được với giải thoát.

Sự thực hành phối hợp trí huệ và phương tiện là sự thực hành chân thật của Bồ Tát. Một lần nữa, chúng ta thấy tính cách Trung Đạo của con đường Bồ Tát là thế nào.

Sự phối hợp của phương tiện và trí huệ càng lúc càng nhuần nhuyễn theo với công phu thực hành, cho đến lúc phương tiện là trí huệ, trí huệ là phương tiện. Ớ đâu có phương tiện ở đó có trí huệ, ngay nơi phương tiện là trí huệ và ngược lại. Thí dụ, tụng kinh (phương tiện) và thật nghĩa (trí huệ): đến một lúc nào tụng kinh có nghĩa là thật nghĩa hiển hiện, và thật nghĩa (trí huệ) chính là sự tụng kinh (phương tiện). Chẳng hạn với những thiền sư đã chứng ngộ thì cái gì cầm trong tay cũng là một phương tiện để chỉ dạy: một cây quạt, một tách trà, hay một cái cuốc… Hoặc là phương tiện ngồi thiền: ngồi thiền không còn là một phương tiện để đạt đến trí huệ, mà khi ngồi thiền, đó là trí huệ. Ngồi thiền là sự hiển bày của trí huệ. Đây là “Phương tiện có trí huệ thì giải thoát”.

Với sự tu hành càng sâu rộng thì trí huệ và phương tiện dần dần nhập thành một vị. Nghĩa là tất cả trói buộc đều là giải thoát, tất cả cái gì có trong cuộc đời thế gian đều là phương tiện để tu hành, để chỉ bày cho người khác thật tướng. Như nước ở đâu thì mặt trăng ở đó, và nơi nào có mặt trăng nơi đó là nước.

“Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát có bệnh nên quán xét các pháp như vậy. Lại quán xét thân là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã, đó gọi là trí huệ. Dù thân có bệnh mà thường ở trong sanh tử làm lợi ích cho tất cả, không chán nản mỏi mệt, đó gọi là phương tiện. Lại quán xét thân: thân không rời bệnh, bệnh không rời thân, bệnh ấy thân ấy chẳng phải mới chẳng phải cũ, đó gọi là trí huệ. Dù thân có bệnh mà không tìm sự vĩnh viễn diệt mất, đó gọi là phương tiện.

“Dù thân có bệnh mà thường ở trong sanh tử làm lợi ích cho tất cả…”, thân là phương tiện. Nhưng phương tiện ấy chỉ thật là phương tiện khi có trí huệ nhìn vào nó.

Quán thân không có tự tánh, chính là tánh Không, do đó dù có thân thì có bệnh, nhưng bệnh ấy thân ấy chẳng phải mới, chẳng phải cũ, như hoa đốm giữa không trung, như bóng trong gương, đó là trí huệ thấu rõ tánh Không. Tuy có thân thì có bệnh, nhưng chính nhờ thân huyễn này mà có mặt nơi sanh tử, cùng bệnh với tất cả chúng sanh, có như vậy mới giúp đỡ, hướng dẫn chúng sanh giải thoát được, do đó mà không bỏ thân ấy bệnh ấy mà tìm sự vĩnh viễn diệt mất. Như vậỵ thân này bệnh này chính là phương tiện, và không bị vướng mắc vào thân này bệnh này, đó là trí huệ.

Trí huệ là sự chứng đắc Pháp thân, là sự giải thoát đích thực và rốt ráo. Nhưng Pháp thân là Không, Vô tướng, Vô nguyện rốt ráo, nên Pháp thân không thể trực tiếp và cụ thể cứu độ chúng sanh. Muốn có mặt trong sanh tử để cứu độ chúng sanh phải có sắc thân (gồm Báo thân, thân thọ phước báo và Hóa thân, thân có sắc tướng thấy được). Cho nên sắc thân hay Báo thân và Hóa thân là sự thành tựu của phương tiện. Như vậy với con đường Bồ Tát, sắc thân hay Báo thân và Hóa thân quan trọng không kém gì Pháp thân, phương tiện quan trọng không kém gì trí huệ.

“Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát có bệnh nên điều phục tâm mình như vầy: chẳng trụ trong sự điều phục cũng chẳng trụ trong sự không điều phục. Tại sao thế? Nếu trụ trong sự không điều phục tâm, đó là pháp của người ngu si. Nếu trụ trong sự điều phục tâm, đó là pháp của Thanh Văn. Thế nên Bồ Tát không nên trụ nơi tâm điều phục hay tâm không điều phục. Lìa hai pháp này là Bồ Tát hạnh.

Không điều phục tâm, để cho tâm tha hồ phóng tưởng tạo ra sanh tử cho chính mình, đó là hạnh của người phàm phu không trí. Còn một mực điều phục tâm, cắt đứt nó với cảnh bên ngoài, đi đến diệt thọ tưởng định là Niết bàn, đó là hạnh của Thanh Văn. Một bên buông lung cho sanh tử, một bên đạt đến sự diệt dứt của Niết bàn. Một bên buông lung cho tư tưởng, một bên diệt dứt tư tưởng: cả hai đều không biết cái dụng của tâm là tư tưởng, dù một bên là cực thấp một bên là cực cao. Một bên không sợ tư tưởng, một bên rất sợ tư tưởng, do đó mà không điều phục và phải điều phục, nhưng dù không điều phục hay điều phục đều không rõ thấu bản chất của tư tưởng.

Bồ Tát do rõ thấu bản chất của tư tưởng nên đi con đường Trung Đạo. Tư tưởng là cái dụng của tâm, sự biểu hiện của tâm. Nhưng tâm vốn không có nền tảng, không có sự tánh nên tư tưởng cũng không có nền tảng, không có tự tánh. Nó vô tội vì không có bản chất, không có bản chất nên không ô nhiễm được tâm vốn tuyệt đối không có bản chất. Cũng như sóng vô tội vì nó chẳng làm gì được với đại dương. Và dù nó xuất hiện nó vẫn là nước của đại dương.

So với Thanh Văn, Bồ Tát có một cái nhìn sâu hơn vào mọi vấn đề, và từ cái nhìn sâu xa đó, mà có pháp tu tương ứng. Dù chỉ trên bình diện ý thức nông cạn, chúng ta cũng có thể hình dung sự tự do của Bồ Tát “không trụ nơi tâm điều phục cũng không trụ nơi tâm chẳng điều phục” là lớn lao, bao la đến chừng nào. Nhưng với chúng ta, chúng ta phải hiểu cho được pháp tu này để thực hành, vậy thì “không trụ nơi tâm điều phục hay tâm không điều phục”, đó là cái gì?

“Ở nơi sanh tử mà chẳng làm hạnh ô nhiễm, trụ trong Niết bàn mà chẳng vĩnh viễn diệt độ là Bồ Tát hạnh. Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh là Bồ Tát hạnh. Chẳng phải hạnh nhơ, chẳng phải hạnh sạch là Bồ Tát hạnh. Tuy vượt khỏi hạnh Ma mà thị hiện hàng phục các Ma là Bồ Tát hạnh. Cầu Nhất Thiết Trí mà không cầu khi chưa đúng lúc là Bồ Tát hạnh. Tuy quán các pháp chẳng sanh mà không nhập chánh vị là Bồ Tát hạnh. Tuy quán mười hai duyên khởi mà vào các tà kiến là Bồ Tát hạnh.

Về mặt thực tiễn, để thấu hiểu những câu này hầu thực sự bắt đầu đi con đường Bồ Tát hạnh, chúng ta phải thực sự có một kinh nghiệm thấy tận mặt bản lai diện mục của mình, thấy Pháp tánh, tánh Không, Pháp thân… của mình. Khi kinh nghiệm được Cái Ấy, chúng ta mới hiểu chính Cái Ấy “ở nơi sanh tử mà chẳng ô nhiễm, trụ trong Niết bàn mà chẳng vĩnh viễn diệt độ”. Cái Ấy “chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh”. Cái Ấy “chẳng phải hạnh nhơ, chẳng phải hạnh sạch”, rồi tương ưng theo Cái Ấy, tùy thuận theo Cái Ấy mà tu hành Bồ Tát hạnh.

Hạnh Bồ Tát không phải là những gì nhân tạo được lập ra rồi ai làm theo bèn trở thành Bồ Tát. Hạnh Bồ Tát là làm theo pháp tánh, theo Chân Như, theo Phật tánh trong đủ mọi mặt của nó. Bởi thế, chẳng phải là việc làm “xóa sạch cái nhơ thì thành cái sạch” hay “bôi bẩn cái sạch thì thành cái nhơ” theo kiểu nhị nguyên. Mà việc làm của người tu hành Bồ Tát là tùy thuận với pháp tánh vốn không nhơ không sạch: chưa từng có một pháp để có thể làm cho nhơ, chưa từng nhơ mà muốn làm sạch thì làm cái gì bây giờ? Theo nghĩa chữ Bồ Tát (Bodhisattva), dịch Hán Việt là Hữu tình giác, hay chúng sanh giác hay một chúng sanh biết. Biết (giác) cái gì? Biết Pháp tánh, Pháp thân rồi từ đó mà ta tu để biết hoàn toàn Pháp tánh, Pháp thân và hiển lộ đủ Ba Thân thì thành Phật. Tóm lại, Bồ Tát chỉ có, Bồ Tát hạnh chỉ có, đối với một người nào đó tự nhận ra được Pháp tánh, Pháp thân, Bản Tâm… của mình.

Chỉ khi nào thấy được tánh của các pháp thì mới có thể ở nơi tướng các pháp mà tu Bồ Tát hạnh. Lúc đó mới có thể “ở nơi sanh tử” (nơi thế giới hình tướng) “mà chẳng làm hạnh ô nhiễm” (vì vẫn hằng tương ưng với pháp tánh vốn không ô nhiễm). Còn không thì chúng ta vẫn chưa thể học kinh; những lời kinh trên chỉ là những lý thuyết đẹp đẽ mà xa vời, chẳng ăn nhằm gì với sự sống, hơi thở, cử động, nói năng, tư tưởng của chúng ta cả. Chỉ khi nào thấy được đại dương, hay hơn nữa, tánh nước của đại dương, lúc đó chúng ta mới có thể thật sự đi con đường Trung Đạo của Bồ Tát, nghĩa là vẫn sống trong thế giới của sóng, của hình tướng sanh tử, mà không lìa rời tánh nước của đại dương, đồng thời không hòa làm một với đại dương bằng cách từ bỏ các sóng “khi chưa đúng lúc” hay nói cách khác “không nhập chánh vị”.

“Tuy hòa hợp với tất cả chúng sanh mà không ái luyến là Bồ Tát hạnh. Tuy thích xa lìa mà chẳng nương vào sự chấm dứt thân tâm là Bồ Tát hạnh. Tuy hành ba cõi mà chẳng làm hư hoại pháp tánh là Bồ Tát hạnh. Tuy hành tánh Không mà trồng các cội công đức là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Vô tướng mà độ chúng sanh là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Vô tác (hay Vô nguyện) mà tự hiện thọ thân là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Sáu ba la mật mà biết khắp tâm, tâm sở của chúng sanh là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Sáu thông mà không dứt hết các lậu(phiền não) là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Bốn Tâm vô lượng mà chẳng ham mê sanh vào cõi Phạm thiên là Bồ Tát hạnh. Tuy hành thiền định, giải thoát và tam muội mà không theo thiền định thọ sanh là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Bốn Niệm xứ mà chẳng rốt ráo lìa vĩnh viễn thân, thọ, tâm pháp là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Bốn Chánh cần mà không xả bỏ thân tâm tinh tấn là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Bốn Như Ý Túc mà được thần thông không nỗ lực là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Năm Căn mà không phân biệt các căn chúng sanh lanh chậm là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Năm Lực mà thích cầu Mười Lực của Phật là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Bảy Giác chi mà khéo rành trí huệ Phật là Bồ Tát hạnh. Tuy hành Tám Chánh đạo mà vui thích hành Phật đạo vô lượng là Bồ Tát hạnh. Tuy hành các pháp trợ đạo chỉ quán mà rốt ráo chẳng sa vào tịch diệt là Bồ Tát hạnh. Tuy hành các pháp chẳng sanh chẳng diệt mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân thể là Bồ Tát hạnh. Tuy hiện oai nghi của Thanh Văn, Bích Chi Phật mà chẳng bỏ pháp Phật là Bồ Tát hạnh. Tuy tùy thuận tánh rốt ráo thanh tịnh của các pháp mà tùy theo chỗ ứng hiện thân mình là Bồ Tát hạnh. Tuy thấy các quốc độ chư Phật vĩnh viễn vắng lặng như hư không mà biểu hiện ra đủ thứ cõi Phật thanh tịnh là Bồ Tát hạnh. Tuy đắc Phật đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn mà chẳng bỏ con đường Bồ Tát là Bồ Tát hạnh.”

Khi trưởng giả Duy Ma Cật nói những lời này, có tám ngàn thiên tử trong đại chúng đi theo ngài Văn Thù Sư Lợi cùng phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Kinh tiếp tục triển khai về Bồ Tát hạnh. Những pháp tu của Thanh Văn, Bích Chi Phật được Bồ Tát sử dụng như những phương tiện, nhưng không xem chúng như là cứu cánh để chứng đắc. Vì không chứng đắc Niết bàn ở nửa đường do đó mà có thể đi xa hơn, có thêm nhiều cái quý báu được tìm thấy hơn, hai sự tích tập trí huệ và công đức được trọn vẹn hơn, rồi lấy đó làm những phương tiện để cứu độ chúng sanh.

Sự thực hành con đường Bồ Tát là sự thực hành khó gấp đôi: “tuy hòa hợp với tất cả chúng sanh mà không ái luyến…, tuy hành ba cõi mà chẳng mất tánh Không…, tuy hành Vô tướng mà có chúng sanh để độ…, tuy hành các pháp chẳng sanh chẳng diệt mà dùng tướng hảo trang nghiêm sắc thân…” Có thể nói cuộc đời người hành đạo Bồ Tát chỉ toàn gặp những công án không thể giải quyết bằng ý thức cạn cợt, mà chỉ phá thấu bằng sự thực hành có hiệu lực và thường trực tinh tấn để có được cái thấy đầu tiên về pháp tánh. Chỉ có pháp tánh mới thực sự giải quyết được những vấn nạn này, bởi vì tất cả những việc làm của Bồ Tát đều phải xảy ra trên nền tảng pháp tánh.

Con đường Bồ Tát là cực kỳ khó khăn – và cũng vì thế mà cực kỳ vinh quang – bởi thế mà không có sự sùng mộ, không đủ niềm tin, không đủ sức cầu nguyện thì hành giả không thể tiếp xúc tương ưng được với lực hộ trì của chư Đại Bồ Tát, chư Tổ sư, chư Phật để có thể học. Khi toàn bộ cuộc sống là những bài học, cái gì xảy ra cũng là sự học, mà không có sức hộ trì, không gặp được bạn đạo đồng hành, không  gặp được những vị thầy Bồ Tát, thì không những con đường Bồ Tát là vô phương mà còn nguy hiểm.

Có thể nói con đường Bồ Tát nằm trong một chữ khéo (thiện). Khéo nói lên một thái độ hành xử trên con đường Trung Đạo: Tuy hành giải thoát mà không giải thoát, vẫn làm mọi việc để giúp đỡ chúng sanh. Chữ Khéo này được diễn tả trong cách hành văn “Tuy… mà…” Chúng ta thấy trong kinh điển Đại Thừa khi nói đến Bồ Tát thường dùng chữ Khéo, khi nói đến Trung Đạo thường hay dùng chữ Mà (ở nơi sanh tử mà Niết bàn, ở nơi sắc mà vẫn là Không, vắng lặng như hư không mà biểu hiện ra…). Học được và hành được theo những chữ này người ta hiểu rõ thêm về Đại Thừa, về hạnh của Bồ Tát.

Khi trưởng giả Duy Ma Cật nói những lời này có tám ngàn thiên tử phát tâm Bồ đề, bởi vì con đường Bồ Tát quá đẹp, quá Chân, quá Thiện, quá Mỹ. Nó bao gồm tất cả những gì đẹp đẽ nhất của thế gian này, tất cả những đạo đức, sự thật, ước vọng, sự toàn hảo… Cái đẹp đó là do Trung Đạo: ở trong chân lý tối hậu (tánh Không) mà không bỏ chân lý quy ước tục đế (sanh tử), và nhờ như vậy, thấy được thật tánh của sanh tử chính là Niết bàn (tánh Không). Như thế, Bồ Tát là người đưa chân lý quy ước của sanh tử đến ý nghĩa tối hậu của nó, và đồng thời đưa chân lý tối hậu đến chỗ trọn vẹn của nó. Như kinh nói, Phật là bậc đồng thời thấy chân lý tối hậu (tánh Không) và chân lý quy ước (thế giới sai biệt) trong cùng lúc, nghĩa là đồng thời sử dụng căn bản trí (thấu đạt pháp tánh) và sai biệt trí hay hậu đắc trí (biết rõ ràng các hiện tượng) trong cùng một lúc.

Kết luận:

Tuy đoạn kinh chỉ là lời đối đáp của Văn Thù Sư Lợi với Duy Ma Cật, chúng ta học tập được hết ý nghĩa của cư sĩ tu tại gia. Đoạn kinh chỉ rõ phần Tánh không, Bất tư nghị, phiền não tức Bồ Đề và cuối cùng là Bồ Tát hạnh lấy từ bi quán chiếu trí tuệ. Theo lời Phật dạy 4 y, chúng ta y nghĩa bất y ngữ nên huyền thoại Duy Ma Cật là kinh có nhiều ý nghĩa sâu sắc nhất cho Thiền tông.

–Về tánh Không: tất cả những tư tưởng, những xúc cảm… đã sanh khởi, đang sanh khởi hay sẽ sanh khởi, tất cả những tâm hành ấy chính là sự giải thoát của chư Phật, nghĩa là chính là tánh Không. Những tâm hành ấy không chỉ sanh ra trong Không, trụ trong Không và diệt trong Không, mà chúng chính là Không. Nhưng về mặt bản chất thì vạn vật có bản thể là Không: không thường còn, không cố định, không có tự tánh, biệt lập, không đối đãi, không chỉ định, không diễn tả được bằng biểu tượng ngôn từ, không mang một tính chất nào mình gán và đặt tên cho nó, nói tóm tắt lại không phải là cái mà mình vẫn nghĩ. Ngay cả sự sinh diệt của sự vật cũng không có. Tất cả là đều do “lý duyên khởi ” (paticca-samuppada) mà ra, và lý duyên khởi cũng chính là Tánh Không.

Qua 4 cặp phủ định về sự vật, về các pháp (dharma): ” không sinh không diệt, không thường không đoạn, không đồng không khác, không tới không đi “, Nagarjuna  (Long Tho) chứng minh rằng mọi khái niệm về sự vật, bằng tri thức, bằng lý luận, đều sai lầm, và mọi cố gắng nắm bắt như vậy đều vô vọng. Sự thật chỉ có thể đạt được bằng trực giác, bằng trí huệ (prajnõa), bằng sự hiểu biết thần bí (ariyajnana). Ngay cả về Tánh Không, Nagarjuna cũng nói: ” Không thể gọi nó là Không hay không của Không, cũng không thể gọi là cả hai, cũng không thể gọi là không phải cái nào. Nhưng vì để người ta biết về nó, mới gọi nó là Không “. (Xin xem Tánh Không cùng tác giả Phổ Tấn)

-Về Bất tư nghị: Những gì siêu việt tri thức thường nghiệm, siêu việt khả năng suy lý và tư duy của năng lực trí tuệ, những cái ấy được gán cho phẩm tính “bất khả tư nghị”: không thể nghĩ, không thể luận bàn đến. Bồ Tát Duy Ma Cật có phép thần thông là bất tư nghị, người có thể mang trái đất này đi rong chơi trong vũ trụ. Người có thể mở rộng từ một hạt cải nhỏ thành một vũ trụ cũng như ngược lại người có thể thu cả vũ trụ vào thành một hạt cải. Phép thần thông đó gọi là thu nhiếp hay mở rộng. Bằng năng lực của trí tuệ ấy, Bồ-tát có thể làm cho thế giới chật hẹp trở nên rộng lớn; thâu thế giới vĩ đại thành thế giới

nhỏ xíu; dựng ngược thế giới đang tồn tại như chúc xuống; lật úp thế giới đang tồn tại như ngửa lên; đặt tất cả Tu-di, núi non, sông biển vào một hạt bụi mà hình thể hạt bụi vẫn không thay đổi; đưa tất cả vô lượng chúng sinh trong thế giới này đặt vào một thế giới khác, mà chúng sinh trong ấy không hề cảm thấy bị quấy rầy.

Những năng lực tự tại siêu nhiên, ly kỳ như vậy, được Duy Ma Cật giới thiệu, được mô tả trong Hoa Nghiêm, phát xuất từ đâu? Hoa Nghiêm nói: “Cũng như từ ao A-nậu-đạt phát xuất bốn con sông lớn. Bốn con sông chảy khắp Diêm-phù-đề, không bao giờ khô cạn, rồi cuối cùng đổ vào biển cả. Với Bồ Tát cũng vậy. Phát xuất từ tâm Bồ-đề, tuôn chảy các con nước đại nguyện của thiện căn, bằng bốn nhiếp sự mà sung mãn chúng sinh, cuối cùng đổ vào biển Nhất thiết trí.”Khi tình yêu và tri thức dung hợp thành một nhân cách nơi một con người, con người ấy có thể làm nên những chuyện phi thường trong thế gian. Cũng vậy, từ bi và trí tuệ, từ nguồn đại nguyện, tuôn chảy vào đại dương Phật tính hiện những thần thông du hý bất khả tư nghị.

-Về phiền não tức Bồ Đề:

Khi Thiện Tài thỉnh cầu Bồ-tát Văn-thù chỉ dẫn con đường hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát Văn-thù đã không hướng dẫn mơ hồ bằng những ngôn ngữ và khái niệm siêu thực, mà vẽ ngay con đường đi cụ thể trong khoảng không gian hữu hạn; đi từ đỉnh Diệu cao, dọc theo bờ Nam hải, để cuối cùng đến lâu các của Di-lặc. Đó là cuộc hành hương trải qua nhiều thiện tri thức, từ không gian hữu hạn đi vào thế giới vô hạn;

từ cõi sống đơn độc của Đức Vân trong núi rừng u tịch cho đến cảnh giới trùng trùng hỗ tương quan hệ của Di-lặc. Hành trình của Thiện Tài là đoạn đường của lớp thanh niên trong quá trình tích lũy tri thức. Cuộc sống của Duy-ma-cật là sự thể hiện của nhân cách nghệ sỹ lão thành. Chất liệu để thành tựu Vô thượng Bồ-đề là những nhận thức mỹ cảm được tích lũy. Cho nên, khi Văn-thù và Duy-ma-cật thảo luận về con người, về những giá trị hiện thực của con người, thì Thiên nữ xuất hiện với những bông hoa thiên giới. Người nghệ sỹ nắm bắt thực tại bằng nhận thức mỹ cảm, nhặt vô biên trong một hạt cát, đón vĩnh cửu trong từng khoảnh khắc sát na. Chất liệu để ông làm rung động âm thanh tịnh lạc bằng chính những tiếng khóc, tiếng cười của mọi chúng sinh trong đau khổ hay hoan lạc, từ trên các tầng trời cao nhất của

Vô sắc giới, cho đến cõi đọa đày thống khổ nhất trong địa ngục A-tì. Nói cách khác, phiền não tức Bồ-đề.

Đó là ý nghĩa câu trả lời của Duy-ma-cật: “Bồ-tát hành phi đạo để thông đạt Phật đạo.” Nội dung thực tiễn của phi đạo này được quảng diễn thành bảy lớp, tương tự như bảy lớp tu tập trong Thanh văn thừa đã thấy trên. Nhưng bảy lớp của Thanh văn là quá trình tiệm tiến hướng đến một đích điểm. Bảy lớp trong đây của Duy-ma-cật là những quá trình vừa định hướng vừa không định hướng. Tức là, như một người trong tăm tối kinh sợ nỗ lực tìm về ánh sáng; cho đến cuối cùng đạt đến không gian không trụ xứ,

như người khi phát hiện ra ánh sáng để thoát ly cõi tăm tối thì cũng đồng thời phát hiện ra rằng thủy chung từ sơ phát cho đến thành tựu vẫn y nguyên trên một điểm. Nói cách khác, về hình tướng thì có đi và có đến, nhưng trong cứu cánh thì không hề có định hướng sai biệt. Bảy lớp được trình bày tiệm thứ theo kinh văn như sau:

1. Sáu cõi luân hồi, là môi trường hay không gian để Bồ-tát thâu thập chất liệu tích lũy cho thành tựu Bồ-đề. Chỗ này chính là điểm xuất phát của Bồ-tát đạo, được nhìn theo quá trình tiệm thứ. Kinh nói, “Bồ-tát hành vô gián nghiệp mà không sân nhuế.” Giết cha, giết mẹ, giết Thánh nhân, hành động điên cuồng cực kỳ tàn ác ấy hiển nhiên là sự dồn nén quá mức của tâm tư thù hận, oán cừu. Không thể tưởng tượng còn có sự dồn nén khổ đau nào tàn khốc hơn thế nữa. Ngay trong thống khổ cùng cực ấy, tâm Bồ-đề bỗng chợt loé lên. Chính lúc ấy nghiệp vô gián là chất liệu của bồ-đề. Tâm Bồđề là tâm nguyện mong cầu Vô thượng Bồ-đề, để giải thoát cho mình và cho vô lượng chúng sinh khác cũng đang chìm ngập trong thống khổ. Như một nghệ sỹ, từ trong đọa đày khổ lụy mà sáng tạo nên các hình tượng mỹ cảm không chỉ cho mình mà cho cả người đời thưởng thức cái hương vị ngọt ngào từ khổ lụy ấy. Đó là hành phi đạo trong chốn khổ lụy nhất. Bồ-tát cũng hành phi đạo trên cõi cực kỳ hoan lạc, trên các cõi trời Sắc và Vô

sắc.

2. Ba bất thiện căn: tham, sân, si là phi đạo của Bồ-tát. Đó là những gốc rễ của mọi thứ xấu xa, tội ác trong thế gian. Trong quá trình tiệm tiến, sau khi đã phát tâm Bồ-đề, Bồ-tát tu tập giới định tuệ, nỗ lực trong các phương tiện của Nhị thừa để đè bẹp các gốc rễ bất thiện. Muốn thế, muốn nhanh chóng

thành tựu trong một đời, Bồ-tát phải tự bứt mình ra khỏi các thứ ràng buộc xã hội. Nếu một người đơn độc mà muốn vượt bờ bên này nhiều hiểm nạn để sang bờ bên kia an toàn, người ấy có thể làm như vậy không chút do dự. Nhưng nếu một người đang có những thân thích bên cạnh cần chăm sóc, cần bảo vệ, tất không thể tự mình vượt bờ như vậy. Nhận thức từ trạng huống bên ngoài, người ấy đang ở trong tình trạng bất an. Nhưng trong quan hệ nội tâm, trong mối giây ràng buộc với những người mà mình yêu thương, người ấy cảm thấy an tâm. Đây chỉ là mượn hình ảnh quen thuộc nhất để hiểu một phần trong ý nghĩa của câu nói của Duy-ma-cật: “Thị hiện hành các tham dục và lìa các nhiễm trước.” Thí dụ kể trên chỉ gợi ý một phần ngoại diện. Phần sâu thẳm hơn, cần mượn thí dụ khác: với người ngu thì ngọc bích chỉ là viên đá cuội. Khi hiểu biết, viên đá cuội ấy có giá trị liên thành. Tự thể của các pháp vốn không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh, không tăng, không giảm. Chỉ khác nhau do mê và ngộ thôi.

3. Hành ba-la-mật bằng phi đạo, nghĩa là, Bồ-tát không hành bố thí để thành tựu ba-la-mật bằng cách phân phát của cải một cách hào phóng. Tự bộc lộ bản tính mình là con người tham lam keo kiệt, nhưng không hề tiếc nuối thân mạng. Trong quá trình tiệm tiến, Bồ-tát vượt qua Thanh văn thừa bằng tu hành mười ba-la-mật, mỗi ba-la-mật thành tựu một Bồ-tát địa(thập địa).

4. Phi đạo qua Nhị thừa: Bồ-tát chứng các quả vị của Thanh văn và Độc giác nhưng vẫn không rời bỏ chúng sinh mà thành tựu đại bi.

5. Phi đạo qua giai tầng hạ liệt: Bồ-tát xử thế trong thân phận của người thuộc giai tầng hạ liệt nhất của xã hội để thể hiện phẩm chất cao thượng nhất.

6. Phi đạo qua giai tầng cao sang: xử thân trong chốn giàu sang quyền quý, có đủ phương tiện hưởng thụ ngũ dục, để hiển thị bản chất vô thường, hư ảo cuộc cuộc sống. Bồ-tát cũng thị hiện làm người nói lắp, trì độn, để thể hiện trí năng sắc bén, biện tài vô ngại.

7. Hiện thân khắp cùng sanh tử mà không rời Niết-bàn; thị hiện Niết-bàn mà không rời sanh tử. Hành phi đạo như vậy có nghĩa không đi theo con đường chính thống. Đó là thuận theo nghịch duyên mà tiến, như người thuyền trưởng tài ba cưỡi lên đầu ngọn sóng mà lướt tới. Đó cũng là trường hợp Huệ Năng sống chung với đám thợ săn, được phân công giữ lưới bắt nai, trong một thời gian mà không bị phát hiện, tự thân cũng không gây nghiệp sát. Điều mà chúng ta nói “phiền não tức Bồ-đề,” khi đối chiếu

với sự sống, hay khi sống thực với nó, tự thân hay tự tâm mỗi người phát hiện và thể nghiệm những ý nghĩa sâu thẳm trong những tầng sâu thẳm nhất của thực tại.  Để kết luận chúng ta hãy tưởng tượng cách nay mấy nghìn năm, những người học Phật vẫn còn mường tượng lung linh hình ảnh bi tráng của một thanh niên vương giả, nửa đêm giựt cương tuấn mã vượt bỏ hoàng thành, bỏ lại đằng sau cả quãng đời niên thiếu, với mái tóc còn đen nhánh, với khí huyết cường thịnh của thời thanh xuân, bỏ lại cha mẹ đầm đìa nước mắt trong ưu tư sầu muộn, và bỏ lại tất cả thần dân của một vương quốc.

Bồ-tát từ bỏ thế gian để đi tìm lẽ Chí thiện cho thế gian, tìm đạo lộ an ổn tối thượng cho thế gian. Khi bánh xe Chánh pháp bắt đầu được vận chuyển, thay vì bánh xe chinh phục và thống trị của Chuyển luân đại đế, thông điệp lịch sử đã được ban truyền: “Các ngươi hãy lên đường… vì an lạc của chư thiên và nhân loại.”

Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!!

Quý vị xem trọn các bài viết về Dòng sông tâm thức của Cư sĩ Phổ Tấn

Tham khảo và trích đoạn: -THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

Tác giả: Đương Đạo- Thư viện Hoa Sen

-Huyền Thoại Duy Ma Cật –Tuệ Sỹ- Thư viện Hoa Sen

-Kinh Duy Ma Cật- Thích Nhất Hạnh- Làng Mai Paris.

5/5 – (1 bình chọn)

source https://www.niemphat.vn/dong-song-tam-thuc-duy-ma-cat/

Ma trong triết lý Phật giáo

Pháp thoại Ma trong triết lý Phật giáo do Thượng tọa Thích Phước Tiến thuyết giảng trực tuyến ngày 19/10/2021 tại Tu Viện Tường Vân.

5/5 – (1 bình chọn)

source https://www.niemphat.vn/ma-trong-triet-ly-phat-giao/

Chạy trốn

Một đoàn ca kịch nước kia

Năm nay trình diễn phải đi xa nhà

Chỉ vì nạn đói xảy ra

Ở trong nước họ thật là nguy tai

Đoàn đành đi ra nước ngoài

Đường đi trắc trở chông gai vô vàn

Phải qua núi thẳm non ngàn

Nghe đồn có quỷ thường ăn thịt người

Quỷ La Sát ẩn lâu đời

Nên đi chót lọt, ngưng thời chớ nên.

Khi đoàn đi tới núi trên

Thời trời đã tối màn đêm buông rồi

Khó mà vượt được kịp thời

Đoàn đành ngủ lại tại nơi hiểm nghèo.

Đêm nay trên núi cheo leo

Càng khuya càng lạnh gió nhiều buốt da

Mọi người nhóm lửa để hơ

Nằm quanh lửa ấm ngủ chờ bình minh,

Một chàng phát bệnh thình lình

Chịu đâu cái lạnh nên đành ngồi lên

Lấy đồ diễn kịch mặc thêm

Tới gần ngọn lửa ngồi bên hơ người

Nào ngờ lại lấy nhầm rồi

Lấy đồ yêu quỷ mặc thời chẳng hay.

Một người khác trong đoàn này

Giật mình chợt thức và quay đầu nhìn

Thấy chàng bệnh ngồi gần bên

Mang đồ quỷ dữ. Hắn liền hoảng kinh

Tưởng Quỷ La Sát ngồi rình

Vội vàng chồm dậy phóng mình chạy mau

Chạy cho nhanh chẳng ngoái đầu,

Cả đoàn nghe tiếng ồn ào vẳng lên

Nửa khuya cũng thức dậy liền

Đầu đuôi nào rõ chuyện trên núi rừng

Thế là cả bọn hãi hùng

Cắm đầu cắm cổ đều vùng chạy theo.

Anh chàng khoác áo quỷ yêu

Lơ mơ bên lửa hồng reo đang ngồi

Thấy người bỏ chạy hết rồi

Cũng co chân chạy theo đuôi tức thì

Dù cho không hiểu chuyện chi.

Bọn người chạy trước đến khi quay nhìn

Thấy Quỷ La Sát cuồng điên

Chạy theo bén gót ngay liền phía sau

Thế là sợ hãi tăng mau

Gắng công cùng chạy theo nhau hãi hùng

Băng sông lạch, vượt suối nguồn

Đầu mình cây đập, tay chân gai cào

Thân người thương tích đớn đau

Tinh thần tán loạn trước sau cả đoàn.

Chạy cho phờ phạc xác thân

Đến khi trời sáng dừng chân ngoái đầu

Thấy ra có quỷ rượt đâu

Chỉ là người bạn chay mau theo mình

Mặc đồ diễn kịch thường tình

Khiến cho cả bọn đêm thanh kinh hoàng.

*

Chúng sinh “ngã kiến” buộc ràng

“Cái ta” cứ chấp, đáng thương vô cùng

Tử sinh lưu chuyển không ngừng

Âu lo, sợ sệt chập chùng bủa vây

Nào đâu giải thoát được đây!

Nếu như có thể phá ngay mê lầm

Hủy tiêu “ngã kiến” trăm phần

Bao nhiêu cuồng vọng trong tâm dứt liền

Chân như, thanh tịnh, an nhiên

Xưa nay sẵn có hiện lên sáng ngời

Thân tâm an lạc tuyệt vời

Vượt cơn kinh hoảng, tới nơi an bình

“Đất trời vô sự thật tình

Người ngu tự quấy nhiễu mình đấy thôi!”

*

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Thi hóa Kinh Bách Dụ)

An Actor Wearing A Demon’s Garment

     Once upon a time, there was a troupe of actors from Cadhara Kingdom, rambling in different parts of the country giving performances due to a famine. They passed the Pala New Mountain where evil demons and men-eater Raksas had been found. The troupe had to lodge in the mountain where it was windy and cold. They slept with the fire on. One of them who were chilly wore Raksa demon’s costume and sat near the fire when another actor awoke and saw him. He ran away without looking closely at him. In general panic, the whole troupe got up and ran away. The one who wore the Raksa garment, not realizing what was happening, followed them.

     Seeing he was behind them, all the actors got more frightened to do them harm. They crossed rivers and mountains, and jumped into ditches and gullies. All got wounded in addition to the great fear they suffered. They did not realize that he was not a demon until daybreak. 

     So are all the common people. 

     Those who happen to be in the midst of the misfortune of famine, do not spare themselves trouble to go far away to seek for the sublime teaching of the Four Transcendental Realities of Nirvana, namely eternity, bliss, personality and purity. However, they cling to their egos which are nothing more than five components of a human being. Because of this, they are flowing back again and again through transmigration. Pursued by temptation, they are out of sorts in falling into the ditch of the Three Evil Paths. Only when the night of transmigration is ended, does the wisdom appear once again. Also only at this moment can one perceive the five components of a human being have no real ego.

(Trích dẫn “SAKYAMUNI’S ONE HUNDRED FABLES” 

do Tetcheng Liao, Tiến Sĩ Luật Khoa Viện Đại Học Paris dịch).

source https://www.niemphat.vn/chay-tron/

Dòng sông tâm thức: Hoa Nghiêm

Kinh Hoa Nghiêm là kinh Phật giảng đầu tiên sau khi giác ngộ dưới cội bồ đề cho chư thiên và Bồ tát. Vì thế kinh có vẻ siêu việt vũ trụ và Phật hoà nhập, lúc bấy giờ Phật không còn là con người phàm tục bị giới hạn của không gian và thời gian. Khái niệm này bị xóa bỏ. Quá khứ tương lai đều qui về hiện tiền, quá khứ là hiện tại và tương lai cũng vậy. Có nghĩa là thời gian không là ý niệm do con người ý thức phân biệt đặt ra. Tâm đó là cảm quan và luận lý của ý thức. Phật là thế giới tâm linh. Thế giới đó tất cả là hiện tại, Phật đống đô trụ xứ vô trụ của Người. Và thời gian trở thành vòng tròn kín nên không có bắt đầu hay chấm dứt không có quá khứ hay tương lai. Và nó lồng vào trong nhau nên một là tất cả tất cả là một là chân lý Hoa Nghiêm. Diễn tả ý tưởng tương thuận tương nhiếp nên chói sáng trong suốt vượt ra khỏi thế giới đầy u tối xấu xí đầy rẫy. Tương túc tương nhân đó là Pháp giới duyên khởi trùng trùng chằng chịt nhau. Sự khác biệt giữa Bồ Tát và A La Hán được nhận rõ qua kinh Hoa Nghiêm là sự khác vọng của Đại Thừa và Nguyên Thủy. Nơi đó Đại Thừa diễn đạt Phật như người nông dân đang xới đất trồng lúa với Tánh Không và Duy thức Vô ngã và Như Lai tạng.

Dòng sông tâm thức: Hoa Nghiêm

Tin tưởng

Hoa Nghiêm là kinh trên căn bản của Pháp giới duyên khởi với lý và sự vô ngại. Vì trên nền tảng duyên khởi nên chúng không có tự tánh và hổ túc lẫn nhau. Hổ túc hổ nhập có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau mà hiện hữu nên có kết luận một là tất cả tất cả là một. Trên hình thức chúng đối nghịch nhau nhưng bản chất thì hỗ trợ tương nhập vào với nhau. Ví như một giàn hạt châu sáng lộng lẫy do chiếu sáng của nhiều hạt châu, mỗi hạt chiếu sáng lẫn nhau. Mỗi tấm lưới phản chiếu hạt châu và mỗi hạt châu phản chiếu các hạt châu khác và phản chiếu tấm lưới. Chiếu như vậy nên gọi là Trùng trùng duyên khởi. Kinh dùng các chữ hổ tương, hổ nhập, dung thông, tương nhiếp, vô ngại. Chính là sự tương thông này mà Hoa Nghiêm đưa ra lý thuyết vì nó làm duyên cho nhau với quá nhiều yếu tố tạo điều kiện cho duyên khởi lên, nên tuy nó có hình thức đối nghịch nhau nhưng nó lại hổ tương về mặt bản thể, tức là cái này có trong cái kia và ngược lại. Khi đi đến Như Lai tạng mới nhận ra được lẽ tất cả duyên cho nhau đó là cái dụng, cái ứng dụng, cái áp dụng của Phật tánh. Khi học kinh Pháp Hoa có Phật tánh chúng ta mới biết chỉ một Phật thừa là vì vậy. Sự phân biệt của các thừa không còn vì chúng đồng nhất nhau tương dung nhau không ngăn ngại nhau, thì có khác nhau về các tên gọi là thức nhưng thực chất là nhất thừa. Đứng trên duy thức thì chúng là thức thì làm gì có sinh diệt? Và không dinh diệt thì gọi là vô sinh tức là hủy bỏ nhị biên của thức phân biệt. Chúng ta đi vào Hoa Nghiêm thì nghiệm ra được không sinh diệt, không có hữu hay vô, tức là không có hiện hữu hay không hiện hữu. Đã không hữu và vô thì bỏ nhị biên tương đối thì đúng là hết vô minh. Hết vô minh thì 12 nhân duyên bẻ gãy. Từ vô minh đã hết tức là Bồ Tát thập địa tức là ngộ Vô sanh pháp nhẫn.Khi nói đến Hoa Nghiêm là nói đến duyên khởi của Pháp giới hay Trùng trùng duyên khởi.  Trước khi đi đến Pháp giới duyên khởi thì đã qua Chân như duyên khởi ở trong A lại da duyên khởi. Phật dạy duyên khởi của các pháp đi tuần tự về luân hồi thì Nghiệp cảm duyên khởi, về chân như thì Chân như duyên khởi và tổng hợp hết cả 3 duyên khởi lại thì Trùng trùng duyên khởi. Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta hiểu được cơ bản là vạn pháp luôn luôn thay đổi luôn luôn động không có tĩnh.Như vậy cái hai đầu cực đoan có và không, phải trái, sinh diệt…của nhị nguyên thì các pháp không đứng yên ở hai đầu này hơn một sắc na. Trung quán luận ra đời là như vậy. Duy thức ra đời sau đó thì là do thức mà hiện hữu. Lăng Nghiêm kế tiếp vạn pháp do tâm biển hiện và khi nó hiện hữu thì nó chuyển vận theo duyên mà di chuyển không ngừng giữa hai cực đoan của nhị nguyên tính. Tóm lại tất cả yếu tố trên ta nhận ra vạn pháp như huyễn vì do tâm thức biến hiện, vậy nó có sinh có diệt không? Thức thì làm gì sinh ra hay mất đi mà nó chỉ di động thành vòng tròn kín không có bắt đầu cũng không chấm dứt. Khi nó vô sinh thì ta nhận ra được tâm thức đó là Chân như là Niết bàn là Chân tâm là Phật tánh. Lúc bây giờ ta mất cái hữu và cái vô, cái có và cái không, cái sinh và cái diệt, mất cái hình tướng và cái vô tướng. Hai cái này do thức phân biệt mà hiện hữu nên thức này thành trí là hết vô minh, rồi ta thấy tướng và vô tướng nhập lại là một. Hoa Nghiêm cho lúc bấy giờ một là tất cả và tất cả là một, tức cái nầy lồng trong cái kia và sự hiện hữu của chúng tương thông không ngăn ngại cản trở nhau chấp nhận nhau tuy nhìn vào thấy đối kháng nhưng thực chất bản thể là một. Để dễ hiểu chúng ta hãy thiền định rồi bắt đầu thiền quán chiếu. Tất cả các pháp đều có hai mặt: lý và sự hay gọi là bản thể và hiện tượng. Hay còn gọi là hình tướng và vô tướng. Nói rộng ra sự sự là con người đối xử con người trong xã hội. Còn lý là lý thuyết là lý tưởng là triết lý. Chúng hiện hữu như hai mặt của một bàn tay. Kinh gọi là tương thông nhiếp vô ngại lẫn nhau. Gom lại cả hai đó là Pháp giới của Phật. Tu lên Bồ Tát là đạt được tánh Không và Duy thức cũng Như Lai Tạng Phật tánh. Lúc bây giờ hết vô minh nên đạt được tánh Không và Vô sanh pháp nhẫn cũng như vạn pháp do tâm biến hiện. Vì tâm thức nên nó như huyễn và không có sinh ra và diệt đi vì nó là vòng tròn kín sinh rồi diệt rồi sinh, vì là thức nên nó vô tướng tuy nó là hữu tướng do thức của ta đặt cho cái tên hiện hữu. Vì nó vận hành theo duyên nên nó không có tự ngã nên là không. Vì nó là thức nên nó là Phật tánh là Như Lai tạng. Như vậy ta nhận được sự thật của các pháp là chân thật như như là Chân như là Niết Bàn nên chúng ta thành Bồ Tát không còn sinh diệt chết sống luân hồi. Chúng ta là Bồ Tát nên chỉ là một năng lượng của tâm thức nên không cố định vị một nơi nào trên vũ trụ này mà bàng bạc khắp mọi nơi gọi là Vô dư Niết Bàn. Vô sanh pháp nhẫn được hiểu bằng cách: Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy rất kỹ về Vô Sanh Pháp Nhẫn, từ khi nói về thắt nút và mở nút với 6 mở 1 mất. 6 mở đó là 6 căn mà lấy căn Ý để mở trước thì 5 căn còn lại mở hết. Còn 1 mất là Trần tướng mất đi vì nó là sanh diệt. Như vậy hiểu được Vô Sanh Pháp Nhẫn và Nhẫn không. Tức là Nhẫn không mà Pháp cũng không rồi 5 uẩn cũng không. Sở không tức là 6 trần không, năng không tức là 6 căn cũng không, tức là tịch diệt. Bản thể đó là duyên của hiện tượng không tách rời ra được. Hiện tượng thay đổi không ngừng có sinh có diệt nhưng bản thể thì đứng yên không có sinh mà cũng không có diệt. Vì thế tu tập là đi tìm về bản thể tức là tìm cái không sinh diệt. Vì hiện tượng sinh diệt thay đổi liên tục nên mới gọi nó là do tâm thức biến hiện theo Lăng Nghiêm, hiện tượng ấy là giả là ảo ảnh. Đại Thừa có nhiều kinh giải thích hiện tượng này theo kinh mà có mặt. Chúng ta là con Phật thì dùng quán chiếu mà nhận ra vạn pháp thật tướng nó là gì? Mà ngộ được đạo. Cảnh và trí đều mất nên cắt đứt được kiến hoặc, lậu hoặc. Vô sanh là không sanh không diệt. Giải thích đơn giản là 12 nhân duyên lấy duyên khỏi làm chính. Khi Hữu có duyên thì Sinh hiện ra nên có duyên là già chết. Mà Hữu là có mặt thì đối lại là Vô là không có mặt. Vậy hữu không có thật vì hữu là trần cảnh, trần cảnh này do thức mà có mặt. Trần cảnh nầy đứng có mặt nhưng lại do duyên mới có mặt như vậy nó có tự ngã đâu có cố định đâu mà cho là hữu. Nó không bao giờ đúng yên một vị trí nên không gọi là hữu thực sự, nó có mặt do cái khác có mặt nó diệt đi khi cái khác diệt đi. Vậy hữu không đứng yên thành vô bất cứ lúc nào. Hữu thành vô nên không thể làm duyên cho Sinh khởi được vậy là không có sinh, thì không có diệt. Vạn pháp giải thích theo Duy thức thì là do tâm thức biến hiện, giải thích theo Nguyên Thủy thì nó là do duyên khởi nên có hữu. Giải thích kiểu nào nó cũng đều là không cố định là không tự nhiên mà có nên nó là hữu chỉ ở một khoảng khắc nào đó thôi, nó thật sự là không phải hữu lâu bền. Vậy không sinh nên không diệt là vậy. Giải thích theo tánh Không là không tự ngã tức là vô ngã thì Bát Nhã tâm kinh nói 5 uẩn vai không là đây.  Uẩn nếu là không là không tự ngã thì hữu làm gì có hiện hữu tức là 5 uẩn không có phải là hữu lâu dài mà là không rồi hữu rồi không. Tóm lại chứng ngộ là ngộ vô sanh không sinh không diệt là ngộ không có hữu mà cũng không có vô mãi mãi. Lúc nào nó cũng là hữu và cũng là vô. Áp dụng phân tâm học ngày nay lúc nào hiện tượng đều có luôn bản thể ở sau lưng vì nó vô tướng còn hiện tượng là hữu tướng.Theo kinh Hoa nghiêm, từ tín thành tựu phát tâm tới viên mãn Bồ đề tâm Bồ tát phải trải qua 52 địa vị tu hành gồm có: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, và Diệu giác. Vì Pháp giới viên dung vô ngại nên 52 hạnh vị hỗ tương nhiếp nhập không ngăn ngại, và mỗi hạnh vị vẫn giữ tính cách cá biệt của nó. Vì viên dung có nghĩa là nhân gồm biển quả và quả thấu nguồn nhân cho nên giai vị thứ nhất tín thành tựu sơ phát tâm đồng thời là giai vị chứng ngộ thứ 52, Diệu giác. Tuy nhiên hành giả vẫn phải tu hành đầy đủ bốn phần, tín, giải, hành, chứng, của Phật đạo gồm 52 hạnh vị ấy.

Để giải thích quá trình 52 giai vị của Bồ tát, Tông Mật và Phổ Chiếu triển khai thuyết Đốn ngộ tiệm tu theo trình tự ba bậc, giải ngộ, tiệm tu, và chứng ngộ. Giải ngộ là đốn ngộ ngay khi phát khởi Tổ tín, “Ta là Phật”. Thuyết này được minh chứng bằng cuộc hành trình cầu học của Thiện Tài Đồng tử trình bày trong Phẩm Nhập Pháp giới, phẩm cuối cùng của kinh.

Trong kinh Hoa nghiêm, hầu như trang nào cũng dính đến tín, nhưng có sáu Phẩm được nói rõ là thuộc pháp hội Thập tín, hội thứ hai trong chín hội, được giảng tại điện Phổ Quang Minh. Hội chủ là Bồ tát Văn Thù, Bồ tát của Đại trí, tượng trưng cho nhân từ là lòng thành tín chân thật và quả tu là trí huệ Bát nhã. Sáu Phẩm ấy là: Phẩm 7: Như Lai Danh hiệu; Phẩm 8: Tứ Thánh đế; Phẩm 9: Quang Minh Giác; Phẩm 10: Bồ tát vấn minh; Phẩm 11: Tịnh hạnh; Phẩm 12: Hiền Thủ. Ba Phẩm 10, 11, và 12 luận bàn về tín trên quan điểm giải, hành, và chứng theo tông chỉ Hoa Nghiêm. Các Phẩm 7, 8, và 9 giải thích theo thứ tự thân, khẩu, và ý của đức Phật, nhấn mạnh sự giác ngộ của đức Phật là nội dung của tín. Chủ điểm của ba Phẩm này là tín và chứng bất tương ly. Nội dung của tín được trình bày trong Phẩm 9.

Lý Thông Huyền phân tích Phẩm 9 như sau: “Phẩm này có tên là ‘Quang Minh Giác’. Mục đích là thuyết minh nhân, mà ở đây nói về giai đoạn Thập tín, từ dưới dấu bánh xe nơi bàn chân Như lai phóng ra ánh sáng rọi khắp mười phương. Đầu tiên nói, một cõi Ba nghìn đại thiên. Kế đến, rộng lớn thêm, cho đến hư không giới pháp giới bất khả thuyết. Mục đích là thuyết minh về vô tận, khiến cho những ai có tín tâm thì tâm được mở rộng đến vô tận, vô ngại, đồng đẳng với hư không giới pháp giới.

Nói rõ Pháp thân, Trí thân của chính mình, cùng nguyện và hành, cũng đều đồng đẳng như vậy. Vì nơi nào được ánh sáng rọi đến, nơi đó tín tâm được giác ngộ, khiến cho tu hành. Do nhân duyên này mà tên của Phẩm được gọi là ‘Quang minh giác’. Những ai tu hành, mỗi mỗi dõi theo ánh sáng mà quán chiếu cả nười phương, cho đến khi tâm năng quán cũng cùng tận, tức là đồng một thể với Pháp thân.

Vị đã nhập tín tâm, với sơ tâm nhập thập trụ, mỗi mỗi dõi theo ánh sáng của mây, đèn, bảo sắc, quán nội tâm và các phương sở, một cách tổng thể khiến cho tâm và cảnh không có trong, ngoài, trung gian, như vậy mới có thể nhập phương tiện tam muội, đi vào cửa pháp Thập trụ. Nếu quán ánh sáng của bảo sắc như vậy mà không thành tất cả biển nguyện của Phổ Hiền, thì cũng không thể thành thần thông lực, đại dụng của chư Phật.” (Hoa nghiêm kinh luận. Tuệ Sỹ dịch).

Chứng ngộ

Kinh Hoa Nghiêm thuật lại sự giác ngộ trong ba truyện khác nhau: giác ngộ của đức Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), giác ngộ của Bồ tát Văn Thù, và giác ngộ của Thiện Tài Đồng tử. Nói cách khác, kinh mô tả sự giác ngộ của một vị Phật, một vị Bồ tát, và một người thường. Sự giác ngộ của đức Tỳ Lô Giá Na được thuật lại là ở trong Bồ đề Đạo tràng ngồi dưới gốc bồ đề gần thành Già da là nơi đức Phật Cồ Đàm thành đạo; sự giác ngộ của Bồ tát Văn Thù là ở tại điện Phổ Quang Minh; và sự giác ngộ của Thiện Tài Đồng tử thời ở tại Kỳ đà tịnh xá (Jetavana).

Trong mỗi trường hợp đức Phật Cồ Đàm có mặt nhưng im lặng nhập định. Ngài phóng hào quang chiếu khắp mọi nơi trong khắp vũ trụ. Chư Bồ tát được tam muội quang minh của Phật chiếu đến liền được nhập tam muội ấy. Tại sao Ngài không khai khẩu thuyết giảng? Đó là vì đức Phật trong kinh không phải là đức Phật lịch sử hay triết lý mà là đức Phật chứng nghiệm. Cảnh giới chứng nghiệm ở đây bao gồm quang minh của đức Phật và trạng thái tam muội của Bồ tát, một cảnh giới mà hào quang bên ngoài Phật chiếu và hào quang thanh tịnh của Chân tâm cùng phát ra và hòa nhập làm một.

Móc xích nối quang minh của đức Phật và trạng thái tam muội của Bồ tát là tín. Bởi vậy trong kinh, mỗi lần luận bàn về chứng ngộ thời ngay sau đó có phần thuyết giảng về tín. Do đó mỗi một trong ba truyện giác ngộ là một truyện về tín. Trong truyện giác ngộ thứ nhất của đức Tỳ Lô Xá Na thời tín biểu tượng bởi biển hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, trong truyện thứ hai thời bởi trí huệ của Bồ tát Văn Thù, và trong truyện thứ ba thời bởi sự phát tâm vô thượng Bồ đề của Thiện Tài Đồng tử do những lời giáo huấn của Bồ tát Văn Thù. Trong mỗi một trường hợp, tín đồng nhất thể với chứng, tức là sự tin tưởng đi đôi với sự chứng ngộ.

Giáo lý đốn ngộ tiệm tu của Hoa Nghiêm căn cứ trên Tổ tín biểu hiện qua hình ảnh cuộc hành trình cầu đạo của Thiện Tài Đồng tử được trình bày trong Phẩm 39: Nhập Pháp giới. Giai đoạn sơ khởi, Thiện Tài gặp Văn Thù, được nghe thuyết pháp, phát tâm bồ đề, nhất tâm cầu đạo Bồ tát, và nói kệ thỉnh giáo. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi chỉ dạy Ngài đi tham học với thiện trí thức. Đồng tử Thiện Tài đi về phương Nam lần lượt tham phóng 53 vị thiện trí thức, từ Tỳ kheo Đức Vân đến Bồ tát Di Lặc, nghe nhận được vô số pháp môn cam lồ rộng lớn.

Số đông học giả cho rằng các vị thiện trí thức Thiện Tài tham bái tương ứng với các giai vị trong quá trình tu chứng của Bồ tát. Cuối cùng, Bồ tát Di Lặc bảo Thiện Tài đi tìm gặp lại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Đây là muốn nói lên ý nghĩa Văn Thù chẳng những là nguyên nhân phát khởi hành trình cầu học của Thiện Tài mà còn là thành quả của hành trình ấy. Hay nói cách khác, Văn Thù chẳng những là điểm khởi hành mà còn là điểm đến cuối cùng của Thiện Tài. Do đó Văn Thù biểu trưng cả hai giai vị, giai vị tín thành tựu sơ phát tâm và giai vị viên mãn bồ đề tâm thể nhập vào thực tại tối hậu Pháp giới. Như vậy, tín và chứng không hai trong Hoa Nghiêm, Văn Thù là đại diện cho trí tuệ Bát Nhã.

Mặc dầu nhập tam muội ở giai đoạn sơ khởi Thiện Tài thật sự mới bắt đầu cuộc hành trình. Quá trình tu chứng còn phải trải qua 52 giai vị, ở mỗi giai vị mức độ tam muội thâm sâu hơn, tâm linh tiến hóa cải biến sâu đậm thêm. Cứ như thế cho đến khi Thiện Tài bước tới giai đoạn Diệu giác, giai vị thứ 52, cũng chính là giai vị đầu, nghĩa là Văn Thù, đức Phật Hoa nghiêm của tín và trí.

Muốn thuyết minh giáo lý đốn ngộ tiệm tu biểu hiện qua hình ảnh cuộc hành trình cầu đạo của Thiện Tài thời phải nương theo pháp Thập tín của Hoa Nghiêm. Pháp môn này là nền tảng của Bồ Tát đạo, là pháp khởi phát tâm Bồ đề, do Pháp Tạng phỏng theo Nhiếp luận (Mahàyàna samgraha) chia tín ra mười bậc tùy theo mức độ thâm sâu. Sau đây sơ lược pháp môn Thập tín Hoa Nghiêm.

1.- Tín. Vào giai đoạn đầu của giải phần khởi lên lòng xác tín (sraddhà). Tâm cương quyết phát khởi và chi trì lòng xác tín.

2.- Niệm. Tu hành sáu sự tưởng nhớ: Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm giới, Niệm Thí, và Niệm thiên.

3.- Tinh tấn. Ngay khi nghe Pháp Đại thừa, lập chí dõng mãnh, chuyên tu các thiện pháp, tâm không khiếp nhược.

4.- Định. Khi ngộ được đạo lý, lìa khỏi mọi ảo ảnh tà kiến, đình chỉ hết thảy vọng tưởng phân biệt.

5.- Huệ. Ngay khi nghe pháp Đại thừa, luyện tập, quán chiếu thành thói quen thấy được tánh Không của các pháp.

6.- Giới. Khi đã thọ lãnh và khéo giữ giới hạnh Bồ tát thời thân, khẩu, ý trở nên thanh tịnh, ít khi phạm lỗi lầm. Nếu phạm thời quyết ăn năn chừa cải.

7.- Hồi hướng. Đem công đức tu hành của mình hiến dâng cho toàn thể chúng sinh.

8.- Hộ pháp. Giữ tâm không bị phiền não và giữ gìn không mất sự im lặng, trí huệ, tỉnh thức, và tịch tĩnh.

9. Xả. Không quan tâm đến thân và của cải. Do đó, dứt trừ xả bỏ mọi chấp trước.

10. Nguyện. Cố gắng tu hành không gián đoạn theo những thệ nguyện của mình.

Theo Thập tín Hoa nghiêm, trong trạng thái thể nghiệm tín, tâm không ngưng nhiên tĩnh tại mà biến chuyển qua nhiều mức độ thâm sâu. Vào giai đoạn sơ khởi tu pháp Thập tín, do quang minh của Phật chiếu rọi, tín thể nhập với Phật tánh, Thiện Tài được nhập tam muội Lý Thông Huyền mô tả như trên. Trong tam muội, tâm thức tiến hóa qua suốt các bậc Thập tín thâm sâu. Theo Lý Thông Huyền, Phổ Chiếu, và nhiều luận sư về kinh Hoa Nghiêm, mười tín tự chúng biểu tượng toàn bộ 52 giai vị Bồ Tát đạo.

Bồ tát hạnh

Bồ Tát là vị hiện hữu với nhiều phép lạ. Những phép lạ được thị hiện ấy, chúng không mang bản chất địa phương, hay phiến diện, như chúng ta bắt gặp hầu hết trong văn học tôn giáo. Những phép lạ theo loại này thông thường là đi trên nước, biến gậy thành cây, cho người mù được thấy v.v… Những phép lạ kiểu đó, như được ghi chép trong lịch sử tôn giáo, chúng không những hoàn toàn vô nghĩa và vô giá trị so với những phép lạ của Hoa Nghiêm (Gaṇḍavyūha), mà từ căn bản, chúng khác với Gaṇḍavyūha, bởi vì những phép lạ Gaṇḍavyūha chỉ có thể có chừng nào toàn thể cơ đồ của vũ trụ mà chúng ta hoài bão được thay đổi ngay từ nền tảng. 

Bây giờ, chúng ta lấy làm kinh dị bởi những thần thông lực của Phật mà Ngài có thể hoá thành tất cả những điều kỳ lạ ấy chỉ bằng cách nhập vào một loại tam-muội nào đó. Những thần thông lực đó là gì? Ấy là: 

1) Gia trì lực (adhiṣṭhāna), năng lực ban bố cho Bồ-tát để thành tựu mục đích của đời sống

2) Thần thông lực (vikurvita), năng lực tạo ra các phép lạ 

3) Uy đức lực (anubhāva) 

4) Túc nguyện lực (purvapraṇidhāna), năng lực bản nguyện 

5) Túc thế thiện căn lực (pūrvasukṛtakuśalamūla), năng lực của những thiện căn trong các đời trước 

6) Thiện tri thức nhiếp thọ lực (kalyāṇamitra-parigraha), năng lực tiếp đón hết thảy bạn tốt 

7) Thanh tịnh tín trí lực(śraddhāyajñāviśuddhi), năng lực của tín và trí thanh tịnh 

8) Đại minh giải lực (udārāddhimuktyavabhāsapratilambha), năng lực thành tựu một tín giải vô cùng sáng suốt 

9) Thú hướng Bồ đề thanh tịnh tâm lực (bodhisattvādhyāśayapariśuddhi), năng lực làm thanh tịnh tâm tưởng của Bồ-tát 

10) Cầu nhất thiết trí quảng đại nguyện lực (adhyāśayasarvajñātāpraṇidhānaprasthāna), năng lực khiến nhiệt thành hướng tới nhất thiết trí và các đại nguyện. 

Hoa Nghiêm (Gaṇḍavyūha) là lịch sử về tâm địa tu hành của Bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra), mà nội dung của pho sử ấy là huệ nhãn (jñācakṣu), hành trì (caryā) và bản nguyện (paraṇidhāna) của Ngài. Như thế, hết thảy chư Bồ-tát tham dự kiến thiết Pháp giới (Dharmadhàttu) đều phát xuất (abhinỉyāta) từ đời sống và thệ nguyện của Phổ Hiền (Samatabhadra). Và chủ đích của Thiện Tài Đồng Tử (Sudhana) trong cuộc hành trình như được mô tả chi tiết trong Gaṇḍavyūha không gì hơn là một quá trình hiệp nhất với Bồ-tát Phổ Hiền.

Sau khi tham kiến hơn 50 vị đạo sư của đủ loại pháp môn, Thiện Tài đến với Phổ Hiền, và được Bồ-tát này giảng dạy đầy đủ về nhân địa tu hành, về tri kiến, về bản nguyện, về năng lực thần thông v.vv…; rồi khi Thiện Tài nhận ra ý nghĩa của tất cả Phật pháp đó, bấy giờ không những thấy mình là một với Phổ Hiền, mà còn là một với hết thảy chư Phật. Thân thể Thiện Tài hiện đầy khắp vũ trụ vô biên, và đời sống hành trì (caryā), sự giác ngộ (sambodhi), những biến hoá (vikurvita), chuyển pháp luân biện tài, âm thanh, tín tâm, trụ xứ, từ bi, giải thoát và thành tựu thế gian, tất cả của Thiện Tài cũng chính là của Phổ Hiền và của hết thảy chư Phật. 

Điều lôi cuốn nhất đối với chúng ta ở đây là quan niệm về bản nguyện (paraṇidhāna) mà một vị Bồ-tát phải có khi bắt đầu sự nghiệp của mình và chi phối suốt tất cả cuộc đời sau này. Các nguyện của Ngài là: hướng đến giác ngộ, giải thoát hay cứu độ hết thảy chúng sinh kể cả các loài hữu tình và vô tình. Lý do khước từ tuyệt đối của Ngài, khước từ tất cả những gì thường được coi như là thuộc về chính ta, không phải là để tâm đắc một chữ hay một câu nào đó về chân lý; sự thực, không có một thứ chân lý nào được tiếp nhận một cách trừu tượng, cũng không có thứ gì phải chấp nhận như một bản ngã thường tại, trong đại dương của thực tại; cái mà Ngài mong thành tựu bằng đời sống hiến dâng của mình là để dắt dẫn mọi loài đi đến chỗ giải thoát tối hậu, đến một cảnh giới của hạnh phúc vốn không thuộc về thế giới trần gian này, và để làm cho tri thức soi sáng toàn thể vũ trụ, và sau hết để được chư Phật tán thán và được mọi chúng sinh chiêm ngưỡng. Đấy là điểm cốt yếu tạo thành một đời sống hành trì như đã được thực hành bởi Bồ-tát Phổ Hiền. Để nhìn thấy cuộc đời và thế giới trong khía cạnh trung thực của nó, Đại thừa mong mỏi chúng ta trước hết phải dọn sạch tất cả những chướng ngại khởi lên từ sừ cố chấp của chúng ta, cái thứ cố chấp coi thế giới tương đối như là giới hạn cuối cùng của thực tại. Khi bức màn được vén lên, những chướng ngại bị quét sạch, và tự tánh của mọi vật hiện diện trong khía cạnh chân thực; thế là, Đại thừa sẵn sàng đương đầu những vấn đề được coi là đích thực của sự sống, và giải quyết nó xứng hợp với đạo lý như thật (yathābhūtam). Mâu thuẫn cắm sâu trong sự sống đến nỗi ta không thể bứng nó lên, nếu sự sống không được chiêm nghiệm từ một điểm bên trên nó. Thực hiện được điều đó, thế giới của Gaṇḍavyūha hết còn là một sự huyền bí, một cảnh vực không hình dạng sắc tướng, vì bây giờ nó bao trùm cả thế giới trần gian này; không, phải nói, nó trở thành “Mày là cái đó” và cả hai là một hỗn hợp tròn đầy. Pháp giới (dharmadhātu) là Thế gian giới (lokadhātu) và những dân cư của nó – nghĩa là, hết thảy chư Bồ-tát kể cả Phật – là chúng ta, và những hành vi của các Ngài là của chúng ta. Trông họ rất ư huyền bí, họ là những phép lạ, bao lâu ta còn nhìn lên họ từ cuối trần gian này và tưởng rằng quả thực có cái gì đó ở cuối kia; nhưng ngay khi bức tường phân chia do tưởng tượng của chúng ta dựng lên bị dẹp bỏ, đôi cánh tay của Phổ Hiền duỗi ra để cứu vớt các loài hữu tình trở thành đôi cánh tay của chúng ta; bây giờ chúng được dùng để chuyển hạt muối đến một người bạn tại bàn ăn, và khi đức Di-lặc mở ra lầu các Ti-lô (Vairocana) cho Thiện Tài, ấy chính là khi chúng ta đưa một tân khách vào sảnh đường cho một cuộc hội kiến thân hữu. Ở đây, cũng nên nhắc đến bài pháp của Lâm Tế, về Văn-thù (Mañjuśrī), Phổ Hiền (Samantabha) và Quán Thế Âm (Avalokiteśvara).  Ngài nói: “Có một số tăng đồ tìm kiếm Văn-thù trên Ngũ Đài Sơn, nhưng họ đã bước sai đường rồi. Chẳng có Văn-thù nào trên Ngũ Đài Sơn. Các người muốn biết Ngài ở đâu không? Ngay tại lúc này, cái gì đó nó đang hành sự trong các ngươi, vững vàng không lay động, tin chắc không nghi ngờ, cái đó chính là Văn-thù sống vậy. Ánh sáng vô phân biệt chớp lên trong một niệm của các ngươi, đấy là Ngài Phổ Hiền của các ngươi thường trụ chân thật. Mỗi một niệm của các ngươi, mà biết cách bẻ gãy xiềng xích, được giải thoát trong mọi thời, đó là đang thâm nhập vào Chánh định của Quan Thế Âm. Mỗi vị cũng hiện hành đồng thời và đồng xứ, tuy ba mà một. Một khi hiểu được vậy, các ngươi có thể tụng đọc các kinh điển”.  Trực kiến căn bản này, của Hoa Nghiêm(Gaṇḍavyūha), được gọi là tương tức tương nhập. Nói một cách triết lý, đây là một tư tưởng hơi giống với quan niệm của Hegel về những cái phổ quát cụ thể.  Mỗi một thực tại cá biệt ngoài tính cách nó là nó, còn phản chiếu trong nó một thể khác nó của toàn thể phổ quát; và đồng thời nó chính là nó do bởi những cá thể khác nó. Một hệ thống của mối tương quan toàn diện, cùng một lúc, tồn tại giữa những hiện hữu cá biệt cũng như giữa những cá thể và phổ quát, giữa những sự vật cá biệt và những lý niệm tổng quát. Màn lưới toàn diện của những quan hệ hỗ tương này đã khoác lên thuật ngữ “tương tức tương nhập” trong tay của của triết gia Đại Thừa. 

Khi Nữ hoàng Vỏ Tắc Thiên nhà Đường cảm thấy khó nắm bắt ý nghĩa tương tức tương nhập, thì Pháp Tạng, một đại luận sư của Hoa Nghiêm tông, giải thích bằng thí dụ như thế này. Trước hết sư cho đốt một ngọn nến, và rồi, cho đặt những mặt kính thành vòng tròn chung quanh cây nến. Ánh sáng từ tâm điểm phản chiếu trong tất cả các mặt kính và mỗi ánh sáng phản chiếu này lại được phản chiếu trong mỗi mặt kính, hoá ra, có một cuộc giao thao toàn diện của các luồng sáng, nghĩa là của những cái phổ quát cụ thể. Tương truyền, sự kiện đó làm sáng tỏ tâm trí của Nữ hoàng. Người ta cần có loại triết lý này mới hiểu nổi kinh Hoa Nghiêm. Những trích yếu sau đây từ bản Kinh trước mắt chúng ta, sẽ giúp chúng ta có một chỗ tựa để đi vào trực giác uyên áo của nó. Có năm trăm Bồ-tát tham dự đại hội dưới sự chứng minh của Phật tại rừng Thệ-đa. Trong hàng thính chúng, người ta cũng thấy có ngần ấy Thanh văn (Śrāvaka), danh hiệu cuả các vị Thanh văn được kể đến ở đây là: Mục-kiền-liên (Maudgalyayana), Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa), Li-bà-đa (Revata), Tu-bồ- đề (Subhūti), A-nậu-lâu-đà (Aniruddha), Nan-đà (Nandika), Kiếp-tân-na (Kapphiṇa), Ca-chiên-diên (Kātyāyana), Phú-lâu-na-Di-đa-la-ni Tử (Pūrṇa-Maitrayaṇīputra), [13] v.v…, trong khi đó, Phổ Hiền (Samantabhadra) và Văn-thù (Mañjuśrī) làm thượng thủ dẫn đầu năm trăm Bồ-tát. 

Các Bồ-tát này thảy đều “sinh ra từ hành nguyện của Phổ Hiền”, và có các đặc tính như sau: 

1) Công hạnh của các Ngài không còn bị vướng mắc (cảnh giới vô ngại), vì có thể hiện thân khắp trong tất cả cõi Phật 

2) Hiển hiện vô số thân, vì có thể đi đến bất cứ nơi nào có Phật 

3) Có nhãn quan thanh tịnh và vô ngại (vô ngại tịnh nhãn), vì có thể thấy được những thần biến của chư Phật 

4) Có thể du hành bất cứ nơi đâu không bị giới hạn vào một xứ sở nào, vì các Ngài hằng đến khắp tất cả những nơi chư Phật đang thành đẳng chánh giác 

5) Các Ngài có ánh sáng không giới hạn (vô lượng trí quang), vì có thể soi tỏ biển Phật pháp bằng ánh sáng trí tuệ của mình 

6) Khả năng biện tài không bao giờ cùng tận, vì ngôn ngữ các Ngài không ô nhiễm

7) An trụ nơi trí tuệ vô đẳng biết rõ không cùng tận như hư không (cứu cánh hư không giới), vì cảnh giới trí tuệ của các Ngài thanh tịnh vô cấu 

8) Không cố định tại một nơi nào (vô sở y chỉ) vì các Ngài tự hiện thân tùy theo tâm niệm và nguyện vọng của hết thảy chúng sinh 

9) Không bị che mờ (trừ diệt si ế), vì các Ngài biết rằng không có pháp và không có ngã trong thế giới chúng sinh 

10) Các Ngài có siêu việt trí bao la như hư không, vì soi tỏ hết thảy Pháp giới bằng màn lưới quang minh của mình.

Ở chỗ khác, khi các vị Bồ-tát trong mười phương thế giới đến viếng rừng Thệ-đa để tham dự cảnh biến hoá vi diệu của những năng lực tâm linh của Phật, Kinh nêu lên cá tính của họ, với những điều như sau: “Hết thảy chư Bồ-tát này đều biết rằng tất cả hữu tình đều như huyễn (māyā), hết thảy chư Phật như ảnh, tất cả tồn tại thăng trầm đều như mộng, hết thảy các nghiệp báo như bóng trong gương, hết thảy các pháp khởi lên như quáng nắng, hết thảy thế gian đều như biến hoá (nirmita); lại nữa, các vị Bồ-tát này đều đã thành tựu mười năng lực, thành tựu trí tuệ, thành tựu tối thắng và thành tựu quyết tín của Như Lai,  khiến họ có thể cất tiếng rống của sư tử; họ đã vào sâu trong biển cả của biện tài vô tận, họ đã chứng đắc tri kiến giảng thuyết chánh pháp cho hết thảy chúng sinh; họ đã hoàn toàn tự tại đối với hành vi của mình nên có thể du hành khắp thế giới không trở ngại như đi giữa hư không; họ đã chứng đắc các năng lực kỳ diệu của  Bồ-tát (Bồ-tát thần thông diệu trí).

Bởi những nhân và duyên nào mà có sự khác biệt giữa Thanh văn và Bồ-tát? 

Gaṇḍavyūha không quên nêu ra những nguyên nhân gây nên sự khác biệt quan trọng này, để nói về những điều kiện nào khiến cho các hàng Thanh văn hoàn toàn mù tối trước những vô số thần thông biến hoá diễn ra một cách kỳ diệu ngay giữa chúng hội Bồ-tát tại rừng Thệ-đa. Gaṇḍavyūha cho ta những lý do sau đây: 

1) Bởi vì phước của họ không đồng

2) Bởi vì Thanh văn đã không thấy, đã không tự mình tu tập các công đức của Phật

3) Bởi vì họ không chứng thực quan niệm rằng vũ trụ dẫy đầy các quốc độ của Phật trong mười phương thế giới, mỗi quốc độ đều có một hoạt cảnh vi diệu của hết thảy chư Phật 

4) Bởi vì họ không ca ngợi những thị hiện kỳ diệu được diễn xuất bởi chư Phật 

5) Bởi vì họ không khởi tâm mong cầu vô thượng chánh  giác, có thể chứng đắc ngay giữa luân hồi 

6) Bởi vì họ không khuyến dẫn kẻ khác ôm ấp lòng mong cầu vô thượng chánh giác 

7) Bởi vì họ đã không thể kế tục gia nghiệp Như Lai 

8) Bởi vì họ không bảo hộ hết thảy chúng sinh 

9) Bởi vì họ không khuyên kẻ khác thực hành các Ba-la-mật của Bồ-tát 

10) Bởi vì khi còn lăn lộn trong vòng sống chết họ đã không khuyến dụ kẻ khác tìm cầu con mắt trí tuệ tối thắng. 

11) Bởi vì các hàng Thanh văn không đã không tu tập tất cả phước nghiệp để làm nảy sinh Nhất thiết trí 

12) Bởi vì họ đã không hoàn thành tất cả phước nghiệp để thành tựu Phật quả 

13) Bởi vì họ đã không làm tăng trưởng quốc độ của Phật bằng cách tìm cầu thần thông trí 

14) Bởi vì họ không thâm nhập cảnh giới được quán sát với con mắt Bồ-tát 

15) Bởi vì họ đã không tìm cầu phước nghiệp để làm nảy sinh tri kiến vô tỉ vượt ngoài thế giới này 

16) Bởi vì họ đã không phát nguyện thiết lập Bồ-tát đạo 

17) Bởi vì họ đã không tùy thuận với tất cả những gì phát xuất từ năng lực gia trì của Phật 

18) Bởi vì họ không nhận biết rằng tất cả các pháp là như huyễn (māyā) và Bồ-tát là như mộng;

19) Bởi vì họ không đạt được những hoan hỉ phấn khởi (prativegavivardhana) của Bồ-tát 

20) Bởi vì họ không chứng được tất cả trạng thái tâm linh kể trên, trong con mắt trí tuệ của Phổ Hiền (Samantabhadra) mà hàng Thanh văn và Phật Bích-chi coi như là xa lạ. 

Vậy, Gaṇḍavyūha kết luận, hết thảy các vị Đại Thanh văn như ngài Xá-lợi-phất (Sāriputra), v.v…, không có phước quả, không có tuệ nhãn, không có tam-muội, không có giải thoát; không có thần lực biến hoá, không có uy lực, không có tự tại, không có trụ xứ, không có cảnh giới, để họ bước vào chúng hội của Bồ-tát và tham dự vào cuộc diễn xuất màn kịch tâm linh vĩ đại diễn ra trong rừng Thệ-đa. Vì họ đã riêng tìm cầu giải thoát theo thừa và đạo của Thanh văn; những gì họ thành tựu đều không vượt ngoài quả vị của Thanh văn. 

Quả thật, họ đã đạt được trí tuệ làm hiển lộ chân lý, an trụ trong biên tế của thực tại (bhūtakoṭi: thực tế) hưởng thọ tịch diệt cứu cách (atyantaśānti), nhưng họ không có tâm đại bi rộng lớn đối với hết thảy chúng sinh, vì họ chỉ chuyên tâm vào những hành nghiệp của riêng mình (ātmakārya), không có tâm chứa nhóm trí tuệ Bồ-tát và tự mình tụ tập theo đó. Họ có riêng sự chứng ngộ và giải thoát, nhưng họ không mong cầu, không phát nguyện làm cho kẻ khác cũng tìm thấy chỗ an trụ trong đó. Như thế họ không hiểu thế nào là thần lực bất khả tư nghị của Như Lai. 

Nói tóm lại, hàng Thanh văn còn bị trùm lấp dưới màn nghiệp chướng nặng nề; họ không thể hoài bão những tâm nguyện lớn lao như các Bồ-tát, để làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh; sở kiến của họ không đủ sáng và không đủ sâu nên không nhìn thấy tất cả những bí ẩn của cuộc sống; họ chưa hề khai mở ra cái mà Gaṇḍavyūha gọi là con mắt của trí tuệ (tuệ nhãn, jñānacakṣu); với con mắt này, Bồ-tát ném cái nhìn vào tất cả những cái kỳ diệu và bất khả tư nghì của cảnh giới tâm linh, thấy tận hố thẳm sâu xa nhất của nó. So thế, cái sở kiến đượm triết học của hàng Thanh văn hời hợt biết bao! 

1. Có một thế giới vốn không thuộc vào thế giới này, dù cả hai không rời nhau. 

2. Thế giới, nơi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, được đặc trưng với hạn cuộc trên mọi phương diện. Mỗi một thực tại cá biệt đối lập hẳn với những cái khác, và những cái này kỳ thực vốn là tự tánh của nó (svabhāva). Nhưng trong thế giới của Gaṇḍavyūha, gọi là Pháp giới (Dharmadhātu), những thực tại cá biệt được bao hàm trong một thực tại hoằng vĩ, và thực tại hoằng vĩ này lại thấy tham dự trong mỗi thực tại cá biệt. Không phải duy chỉ thế, mà mỗi hiện hữu cá biệt bao hàm trong chính nó tất cả những hiện hữu khác, và những cái khác cũng như vậy. Như thế có thể nói, có một sự hỗ tương giao thiệp toàn diện trong Pháp giới. 

3. Những hiện tượng siêu nhiên này không thể xuất hiện trong một thế giới còn bị bao trùm trong tối tăm và cứng nhắc, bởi vì, nếu như thế, sẽ không thể có giao thiệp. Nếu một cuộc giao thiệp xuất hiện được trong những điều kiện này, giao thiệp đó có nghĩa là sự sụp đổ toàn diện của tất cả những thực tại cá biệt, nghĩa là, một cuộc hỗn độn. 

4. Vì vậy, Pháp giới là một thế giới của ánh sáng không bị phụ tùy với bất cứ hình dạng bóng mờ nào. Bản tính cốt yếu của ánh sáng là hỗn giao mà không xảy ra sự ngăn ngại hay hủy diệt lẫn nhau. Mỗi ánh sáng đơn nhất phản chiếu trong chính nó tất cả những ánh sáng khác, vừa toàn thể, vừa cá biệt. 

5. Đây không phải là một sự giải thích mang tinh triết học về tồn tại đạt được bằng suy lý lạnh lùng, cũng không phải là một biểu hiện có tính cách biểu tượng của trí tưởng tượng. Nó là một thế giới của kinh nghiệm tâm linh hiện thực. 

6. Kinh nghiệm tâm linh cũng giống như kinh nghiệm giác quan. Nó trực tiếp, và chỉ thẳng cho chúng ta tất cả những gì nó đã cảm nghiệm không cần nhờ đến biểu tượng hay suy lý. Gaṇḍavyūha phải được lãnh hội theo cách đó – nghĩa là, nó như một tập tài liệu ghi lại đời sống tâm linh hiện thực của một người nào đó. 

7. Cảnh vực tâm linh đó thuộc hàng Bồ-tát, không phải thuộc Thanh văn. Thanh văn yên nghỉ trong một thế giới của trực giác trí năng và đơn điệu, cao vọi trên thế giới tương giao vô tận của những cái cá biệt và đa thù. Bồ-tát có một trái tim yêu thương, và cuộc đời của Ngài là một cuộc đời tận tụy và hy sinh dâng tặng cho thế giới của những cá biệt. 

8. Chỉ có thể tiếp cận xã hội của những vật thể tâm linh bằng một trái tim yêu thương rộng lớn (mahākaruṇā); một tinh thần bằng hữu bao la (mahāmaitrī: đại từ), bằng đạo hạnh (śīla: giới), bằng đại nguyện (pranidhāṇa), bằng những năng lực thần thông (abhijñā), không ý đồ (anabhisaṃskāra: vô công dụng), không vụ lợi (anāyūha), những phương tiện khéo léo phát sinh từ trí tuệ siêu việt (prajñopāya: huệ phương tiện), và những sự biến hoá (nirmāṇa). [16] 

9. Vì những đức tính trên không có nơi hàng Thanh Văn, nên các vị Thanh văn không được phép dự vào đại hội của Phật và Bồ-tát. Ngay dù họ đang ở giữa đại hội, họ cũng không thể đánh giá tất cả sự kiện diễn ra trong những chúng hội như thế. Đại thừa không phải chỉ là Tánh Không, mà đằng sau nó là một tinh thần xã hội vĩ đại đang vận chuyển. 

10. Sau hết, chúng ta phải nhớ rằng có một năng lực gia trì (adhiṣṭhāna) ở đằng sau tất cả những hiện tượng tâm linh diễn ra trong rừng Thệ-đa, và đằng sau tất cả những hóa thân Bồ-tát vây quanh Phật. Năng lực này phát xuất từ chính đức Phật. Ngài là một tâm điểm vĩ đại và là cội nguồn của sự ngời sáng. Ngài là mặt trời mà ánh sáng soi thấu những góc tối của vũ trụ, không để lại một bóng mờ ở đâu hết. Phật của Gaṇḍavyūha, vì vậy, được gọi là Đại Tì-lô-giá-na Phật (Mahāvairochana-Buddha), đức Phật Đại Quang Minh hay Quang Minh Biến Chiếu.

Kết luận

Hoa Nghiêm là kinh nên học hỏi sau khi đi qua Đại Thừa vì nó là biểu tượng của Đại Thừa Bồ Tát và Phật. Nên kinh mang tính chất trừu tượng siêu hình phép màu và triết lý. Kinh cho chúng ta phân biệt hàng Thanh Văn và Bồ Tát khác nhau nhiều phương diện. Riêng về triết lý kinh dạy ta tư duy quán chiếu tính Vô sanh Pháp Nhẫn, tính duyên khởi của Pháp giới sau khi đi qua 12 Nhân duyên đến A-lại da duyên khởi và Chân như duyên khởi mới đến Pháp giới duyên khởi. Với tánh duyên khởi sau cùng trùng trùng như vậy chúng ta hiểu thấu được hiện tượng và bản thể làm duyên cho nhau. Với Duy thức luận và tánh Không làm cho chúng ta hiểu thấu kinh Hoa Nghiêm hơn. Đại Thừa tu thành Bồ Tát và Phật nên đi sâu vào triết lý, mổ xẻ thế giới của bậc Bồ tát khác với thế giới ta bà của phàm phu. Nơi đó không gian thời gian có và không có đều tịch diệt, nhường chỗ cho vô nhị biên vô ngã và vô trụ với vô tâm. Muốn hiểu thấu, cảm nhận được cần phải quán chiếu tư duy qua thiền định về lý và sự tương đồng tương nhiếp hổ tương lẫn nhau. Tuy chúng làm duyên cho nhau nhưng hình thức thì khác biệt bản chất thì là một, cái nầy hiện hữu trong cái kia và ngược lại. Vạn pháp di chuyển không ngừng vô thường duyên khởi cho nhau nhưng tương nhiếp nhau và lồng vô nhau. Như thế chúng không có chết và không có sinh mà chỉ là một vòng tròn kín không bắt đầu không chấm dứt. Chồng chéo qua lại như một dàn hạt châu chiếu sáng lẫn nhau thành muôn màu sắc. Cuối cùng Phật là gì? Trả lời: Tức Tâm tức Phật. Tâm đây được hiểu theo duy thức là tâm thức, hay được hiểu theo tích luỹ của nghiệp và Phật tánh. Tâm là Phật Tâm còn có thể lường được. Phật là ai?” – “vô tâm là Phật.” – “có thể phân biệt Tâm và vô Tâm chăng?” – Sư nói: “ông đã phân biệt rồi còn muốn đổi gì nữa? Câu đối đáp của thiền sư mang lại tính như thị hiện tiền của chúng ta khi tư duy về Phật. Lúc đó có và không có nhập lại là một, khi ý thức phân biệt thu nhỏ lại không còn. Ý thức đó thu lại thì chứng tự chứng phần aware of awareness hiện ra là Phật.

Nam mô Thích Ca mâu ni Phật !!

Quý vị xem trọn các bài viết về Dòng sông tâm thức của Cư sĩ Phổ Tấn

Tham khảo:

-Tín và Chứng trong Hoa Nghiêm- Hồng Dương- Thư Viện Hoa Sen

-Lý tưởng của Bồ Tát và Phật- Thiền sư Suzuki- Tuệ Sỹ dich-Thư Viện Hoa Sen.

Phổ Tấn

source https://www.niemphat.vn/dong-song-tam-thuc-hoa-nghiem/

Ăn thịt gà

Có người mắc bệnh dây dưa

Rất là trầm trọng, quá ư lâu ngày

Nên mời thầy thuốc thật hay

Đến nhờ xem mạch. Ông thầy phán luôn:

“Anh nên ăn thịt gà con

Bệnh thời thuyên giảm chẳng còn ngại chi.”

Bệnh nhân nghe lời lương y

Sai người vội vã chạy đi mua gà

Chợ làng cũng chẳng có xa

Gà con mua được thật là dễ thay

Mua một con về ăn ngay

Chỉ ăn có vậy, một ngày rồi thôi.

Lương y ít bữa trở lui

Sau khi xem mạch thầy thời hỏi thăm:

“Bệnh tình anh khá hơn chăng

Sau khi đã được chữa bằng gà con?”

Bệnh nhân khẽ trả lời luôn:

“Thật tôi chẳng biết bệnh còn hay không

Vì tôi chỉ mới ăn xong

Một con gà nhỏ là ngưng lại rồi

Ăn nhiều chắc cũng vậy thôi.”

Lương y nghe vậy tức thời nhủ khuyên:

“Một con ăn chẳng khỏi liền

Muốn lành bệnh hãy ăn thêm nhiều vào.”

*

Truyện này thí dụ đạo mầu

Người tu Phật Pháp phải cầu mà theo

Học cho rộng, hỏi cho nhiều

Tháng ngày tinh tấn, sớm chiều thiết tha,

Phàm phu ngoại đạo lơ là

Tâm không bền bỉ tiến xa khó lòng

Học hành chút ít rồi ngừng

Đương nhiên bệnh độc chẳng mong diệt trừ

Ngu si phiền não từ xưa

Vẫn còn tồn tại kể như muôn đời.

*

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Thi hóa Kinh Bách Dụ)

The Patient Eats The Pheasant Meat

     Once upon a time, there was a man who was seriously ill. A skillful physician prescribed that he could be cured by eating some pheasant meat. After he finished eating one, the patient did not eat it again. Afterwards, the doctor came to him and asked, “How do you feel now?”

     The patient replied, “You have told me to eat some pheasants. Now that I have eaten it, I dare not eat it again.”

     The physician said, “But why not? How can you expect to be cured with only one pheasant?”

     This is also true with all the heretics. They should understand what the mind means on hearing such wise and skillful doctors as Buddha’s and Bodhisattva’s preaching. However, they cling to the view of permanence thinking that there is only one mind from the past, present through future, which does not undergo any change. This is just like the patient eating only one pheasant that his illness of ignorance and worries cannot be cured.

     All Omniscient Buddhas teach the heretics to abandon their prejudiced view of permanence. For all phenomena are subject to change at the time of thought. How can the mind remain unchanged! This is just like the physician’s telling the patient to eat more pheasants.

     So is Sakyamuni Buddha’s preaching to all men to understand all his teachings. Sakyamuni has it that things which can be ruined or destroyed are called impenitence.

     Things which can be lasted are called continuity.

     Once the context is understood, people will eradicate the wrong view of permanence. 

(Trích dẫn “SAKYAMUNI’S ONE HUNDRED FABLES” 

do Tetcheng Liao, Tiến Sĩ Luật Khoa Viện Đại Học Paris dịch).

source https://www.niemphat.vn/an-thit-ga/

Câu chuyện về kỹ nữ Cát Tường

Pháp thoại Câu chuyện về kỹ nữ Cát Tường do Thượng tọa Thích Thiện Thuận thuyết giảng trong chương trình tu học trực tuyến lần 9 ngày 26/09/2021 tại Viện Chuyên Tu – Chùa Vạn Thiện, Vạn Hạnh, Phú Mỹ, BRVT

source https://www.niemphat.vn/cau-chuyen-ve-ky-nu-cat-tuong/

Thờ người mới chết bao lâu?

Vấn đáp chủ đề Thờ người mới chết bao lâu? được Thượng tọa Thích Thiện Thuận thuyết giảng trong chương trình vấn đáp Phật Pháp trực tuyến lần 2 ngày 08/08/2021 tại Viện Chuyên Tu – Chùa Vạn Thiện, Vạn Hạnh, Phú Mỹ, BRVT

source https://www.niemphat.vn/tho-nguoi-moi-chet-bao-lau/

Design a site like this with WordPress.com
Get started